Cộng đồng doanh nghiệp thờ ơ với cải cách tư pháp?

Năm 2002 Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về ‘một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới’, mở đầu cho vấn đề cải cách nền tư pháp của Việt Nam.

Ba năm sau, vào năm 2005 Bộ chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chính thức đặt nền móng cơ sở cho các hoạt động cải cách tư pháp sau này.

IMG_0556

Vì sao cần cải cách?

Kể từ khi nhà nước ra đời vào năm 1945 để chống lại các kẻ thù của nó thì nền tư pháp là một công cụ chuyên chế quan trọng. Kế đến là một giai đoạn dài đất nước trải qua chiến tranh, khiến cho từ đó về sau nền tư pháp vẫn giữ vai trò là một công cụ bạo quyền trấn áp.

Chỉ đến sau khi đất nước đổi mới mở cửa và phát triển kinh tế thị trường thì mới xuất hiện nhu cầu về một không gian pháp lý cởi mở thân thiện cho các hoạt động kinh tế. Nghị quyết 49 xác định phương hướng cho cải cách tư pháp là hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự và dân sự để phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để phát triển kinh tế thị trường thì đòi hỏi một nền tư pháp tương thích phù hợp với nó. Bởi khi của cải xã hội gia tăng cùng với sự lưu chuyển của các khối tài sản thì phát sinh nhu cầu về xác lập quyền sở hữu và bảo vệ các khối tài sản đó.

Khi đó nền tư pháp được giao cho vai trò bảo vệ quyền sở hữu tài sản và giải quyết các tranh chấp vướng mắc trong kinh doanh.

Nhưng để đảm đương được vai trò mới này thì nền tư pháp không thể duy trì hoạt động theo kiểu cũ được nữa. Vì lý do đó mà các ban ngành nhà nước mới đặt ra vấn đề phải cải cách nền tư pháp.

Như vậy, mục đích kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế chính là lý do đưa đến chủ trương này, cũng có nghĩa là cộng đồng doanh nghiệp là người được hưởng lợi nhiều nhất.

x9

Doanh nghiệp thờ ơ

Quan sát lâu nay thì thấy doanh nghiệp hầu như thờ ơ trước chính sách cải cách tư pháp. Đối với họ thì dường như đây là một vấn đề xa xôi không liên quan.

Qua theo dõi thì thấy, để tìm giải pháp thu hút đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thường chỉ thấy người ta nói đến các vấn đề về cải cách thủ tục hành chính đầu tư, cắt giảm những giấy phép con cản trở kinh doanh. Hầu như không thấy ai nhắc đến cải cách nền tư pháp như là một giải pháp giúp ích cho doanh nghiệp.

Tức là giữa hai vấn đề môi trường doanh nghiệp và nền tư pháp có một khoảng cách mà không ai chỉ ra mối liên quan và kéo chúng lại gần với nhau.

Trong khi nền tư pháp lâu nay đang gây hệ quả xấu cho cộng đồng doanh nghiệp, rất nhiều các tranh chấp vướng mắc trong kinh doanh chậm được giải quyết, nhiều khối tài sản thay vì được đưa vào lưu thông để tạo ra hiệu quả kinh tế thì lại nằm ách tắc trong cơ chế tư pháp nhiêu khê.

Các doanh nhân với vẻ ngoài phong nhã thường che dấu đi sự kém lành mạnh pháp lý của mình. Nhiều người trong số họ bị bủa vây bởi những kiện cáo tranh chấp mà nền tư pháp gần như bắt họ làm con tin rất khó thoát ra được.

Đơn cử, tôi đang giải quyết cho một vụ tranh chấp một khối tài sản nhà xưởng của một doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc, phía bên kia là một doanh nghiệp tư nhân lắp ráp ô tô thuộc vào loại lớn nhất Việt Nam. Vụ việc kéo dài cả chục năm gây hao tổn thời gian công sức và tiền bạc cho cả các bên.

Đó là một trường hợp ví dụ cho thấy rất rõ tác hại của nền tư pháp đối với các hoạt động kinh tế. Nhưng đáng tiếc mới đây trong một cuộc họp của Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Vĩnh Phúc, tham dự có giám đốc các doanh nghiệp, khách mời có đại diện Ủy ban nhân dân, công an nhưng không có thành phần tư pháp.

IMG_0550

Lề thói nhận thức

Hôm 23/5 khi Quốc hội bàn về luật đặc khu, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy thuộc Ủy ban tư pháp Quốc hội cho rằng Luật đặc khu đã trao nhiều quyền hành pháp cho Ủy ban nhân dân, nhưng lại giao ít quyền tư pháp cho tòa án.

Theo bài trên báo Tuổi trẻ bà Thủy cho rằng “So sánh giữa hành pháp và tư pháp trong dự thảo luật thì thấy có sự khập khiễng rất lớn. Chủ tịch UBND và UBND được phân quyền rất nhiều từ bộ, tỉnh, trong khi các cơ quan tư pháp lại được phân quyền rất ít”, bà Thuỷ đề nghị dự luật giao thẩm quyền cho cơ quan tư pháp tương thích với chủ tịch UBND và UBND đặc khu.

Đây là một ví dụ cho thấy nhận thức não trạng của rất nhiều cán bộ các ban ngành lâu nay, họ chỉ nhìn ra tháo gỡ các vấn đề thủ tục hành chính đầu tư cho doanh nghiệp mà không nhận ra phải tháo gỡ vướng mắc tư pháp cho doanh nghiệp.

Đó là cách nhìn nhận thiên lệch, ngắn hạn theo kiểu ‘ăn xổi ở thì’ bị kéo dài suốt mấy chục năm kể từ khi mở cửa nền kinh tế. Vì cái thủ tục hành chính đầu tư đem lại miếng bánh lợi ích ngay trước mắt khi doanh nghiệp rót vốn ra đầu tư cho nên tập trung cải thiện ngay.

Còn khi doanh nghiệp đã vào rồi, đã đầu tư rồi thì không lo giúp người ta tháo gỡ những vướng mắc khi kinh doanh, trong khi môi trường tư pháp mới là kiến tạo không gian pháp lý theo chiều sâu giúp doanh nghiệp hoạt động bền vững.

Thực tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đặt chân đến Việt Nam họ lo ngại về môi trường pháp lý thiếu rõ ràng, nhưng khi được khuyến dụ cho biết là môi trường pháp luật về đầu tư đã thông thoáng cởi mở mời gọi họ, thì cái họ lo lắng tiếp theo là vấn đề tư pháp giải quyết các mâu thuẫn trong kinh doanh.

Nhiều nhà đầu tư khi ký kết hợp đồng họ lựa chọn phương án giải quyết theo trọng tài quốc tế, sử dụng pháp luật nước ngoài. Luật đặc khu đang bàn cũng cổ xúy cho điều đó khi cho phép các tranh chấp có nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn tòa án nước ngoài giải quyết, khiến cho nền tư pháp trong nước càng thêm bị bỏ rơi, trở thành vùng trũng chậm được đầu tư cải thiện.

Bất công xã hội làm gia tăng tỷ lệ tội phạm.
Bất công xã hội làm gia tăng tỷ lệ tội phạm.

Cần phải làm gì?

Đã đến lúc nền tư pháp cần được coi trọng nhìn ra như là một giải pháp cho phát triển kinh tế.

Các doanh nghiệp mải lo làm ăn nên thật khó trách họ khi không quan tâm đến cải cách tư pháp. Nhưng các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp hoặc cơ quan đại diện cho họ thì khác.

Ví như Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam là cơ quan đại diện cho quyền lợi cho doanh nghiệp nhưng lâu nay cũng thiên lệch trong hoạt động, chỉ thiên về các vấn đề cải cách thủ tục hành chính và đầu tư cho doanh nghiệp.

Sau một thời gian dài thì cho đến nay nền tư pháp đang là rào cản lớn nhất cho nền kinh tế.

Việc cần làm hiện nay là chỉ rõ mối liên quan giữa doanh nghiệp, nền tư pháp và phát triển kinh tế. Và trong các cuộc họp giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp, ngoài thành phần các Bộ, Sở và Ủy ban nhân dân các cấp thì cần phải có thêm sự tham gia của giới tư pháp như Tòa án và luật sư.

Để các vướng mắc tư pháp được nêu ra, để các con số thiệt hại của doanh nghiệp do bởi tư pháp yếu kém được tính toán thống kê đặt lên bàn nghị sự.

Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google Search ‘Cộng đồng doanh nghiệp thờ ơ với cải cách tư pháp?’