Quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp và mọi người cần biết

QUAN CHỨC, LÃNH ĐẠO DOANH NGHIỆP VÀ MỌI NGƯỜI CẦN BIẾT

VÀI ĐIỂM MỚI CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

————————–

Luật sư Ngô Ngọc Trai

 Công ty luật TNHH công chính

Từ ngày 1/1/2018 tới đây Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực, luật này có một số điểm mới mọi người nên biết

1.Các biện pháp điều tra đặc biệt

Từ ngày 1/1/2018 cơ quan điều tra được thực hiện các biện pháp điều tra đặc biệt gồm 1. Ghi âm, ghi hình bí mật; 2. Nghe điện thoại bí mật; 3. Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Những hoạt động này xưa nay có thể đã làm rồi nhưng chỉ để xác định phương hướng đường lối rồi thực hiện thêm các biện pháp nghiệp vụ điều tra khác để chuyển hóa thành chứng cứ, nhưng giờ đây các dữ liệu được thu thập sẽ được sử dụng trực tiếp làm chứng cứ kết tội.

Theo luật, chỉ các loại tội sau mới có thể bị áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, gồm: Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra luật không quy định cho phép áp dụng đối với các tội danh khác.

Về thẩm quyền thì Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt.

Nhưng trước khi thực hiện quyết định phải được phê chuẩn, quyết định áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt phải được Viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành (vai trò ông này sẽ lớn).

Lưu ý là biện pháp điều tra đặc biệt chỉ được thực hiện sau khi đã khởi tố vụ án, như vậy mục đích là nhằm mở rộng xử lý các đối tượng liên quan, hoặc củng cố cơ sở kết tội cho vụ án đã khởi tố.

Song cũng cần lưu ý tiếp là có những khi vụ án đã khởi tố rồi nhưng lại chưa khởi tố bị can, do vậy bị can không biết mình đã dính đến một vụ việc đã bị khởi tố và đang bị điều tra bí mật

2.Dữ liệu ghi âm, ghi hình

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định về nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử. Theo đó tại Điều 99 quy định như sau:

Điều 99. Dữ liệu điện tử

1. Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.

2. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.

3. Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.

Với quy định mới này (trước đây chưa có) thì những dữ liệu điện tử như đoạn ghi âm, video ghi hình, email thư điện tử… sẽ được đánh giá là chứng cứ và sử dụng trực tiếp để xử lý hình sự, thay vì bị coi là để tham khảo hoặc giá trị chứng cứ không rõ ràng như trước đây.

Do vậy trong quan hệ giao dịch làm ăn cần cẩn trọng, đặc biệt trong bối cảnh các thiết bị ghi âm ghi hình bí mật ngày một dễ kiếm giá rẻ và sử dụng thông dụng.

Người ghi âm ghi hình thì lưu ý, để được dùng làm chứng cứ thì dữ liệu cần nguyên bản đừng chỉnh sửa cắt xén (vì sẽ được giám định), bằng cách đó gia tăng tối đa giá trị sử dụng của dữ liệu điện tử được sử dụng làm chứng cứ. 

Với quy định mới này của luật thì những lời nói hứa hẹn, cam kết, hớ hênh, hoặc những hành vi dấm dúi khuất tất sẽ tăng khả năng bị phát hiện xử lý

3.Được mời luật sư ngay từ sớm

Trước nay nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, giám đốc chi nhánh ngân hàng hoặc những người bị nghi phạm tội hình sự nhưng chưa bị khởi tố hoặc bắt giữ, thường hay bị triệu tập đến cơ quan điều tra để làm rõ về nghi vấn sai phạm.

Khi họ muốn mời luật sư tham gia làm việc cùng với cơ quan điều tra thì hay bị từ chối với lý do rằng luật sư bào chữa chỉ được tham gia làm việc khi đã vụ án đã khởi tố hoặc người bị bắt giữ. Cho nên luật sư không được cùng ngồi tham gia buổi làm việc. Điều này gây bất lợi, lo lắng, hoảng sợ cho người bị tình nghi phạm tội vì không được có luật sư bảo vệ. Trong khi ở giai đoạn này cơ quan điều tra cũng thực hiện nhiều hoạt động điều tra xác định dấu hiệu tội phạm như lấy lời khai, yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ, giám định chữ ký, đối chất… không khác gì những hoạt động điều tra được thực hiện khi đã khởi tố vụ án rồi.

Nay bộ luật tố tụng hình sự mới có quy định mới giúp người bị nghi vấn phạm tội được quyền mời luật sư bảo vệ và luật sư được tham gia các buổi lấy lời khai, hoặc làm các việc khác.

Cụ thể Điều 83 Bộ luật tố tụng hình sự quy định như sau:

Điều 83. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố

1. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là người được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

2. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có thể là:

a) Luật sư;

b) Bào chữa viên nhân dân;

c) Người đại diện;

d) Trợ giúp viên pháp lý.

3. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền:

a) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

b) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

c) Có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và nếu được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;

d) Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;

đ) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

4. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có nghĩa vụ:

a) Sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án;

b) Giúp người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố về pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Theo quy định mới này thì quyền của khách hàng được bảo vệ tốt hơn, phạm vi hoạt động của luật sư được mở rộng hơn

4.Về quyền im lặng

Đây là vấn đề gây nhiều tranh luận trong khi soạn thảo, nhưng cuối cùng chế định pháp lý văn minh tiến bộ đã được tiếp thu đưa vào luật. Theo đó luật quy định người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đều được quyền: Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

Mặc dù luật không viết trực diện dễ hiểu quyền im lặng là quyền được giữ im lặng hay quyền từ chối khai báo song luật đã quy định theo nghĩa khai báo là quyền chứ không phải nghĩa vụ.

Khi đã là quyền thì mọi người có thể không thực hiện, quyền khai báo cũng như quyền mời luật sư, đều là quyền và mọi người có thể không thực hiện.

Cho nên, khi không may gặp rắc rồi làm việc với cơ quan điều tra, trước một câu hỏi không muốn trả lời mọi người hãy mạnh dạn thực hiện quyền im lặng bằng việc nói rõ tôi không trả lời câu hỏi này, hoặc không có ý kiến về vấn đề này.

Lưu ý là Trước khi hỏi cung bạn sẽ được cán bộ điều tra phổ biến giải thích về các quyền, nhiều quyền mà bạn có như quyền trình bày lời khai, quyền mời luật sư bào chữa, quyền khiếu nại việc làm của cán bộ điều tra, quyền yêu cầu thay đổi điều tra viên… Cán bộ điều tra có nghĩa vụ phổ biến giải thích cho bạn về các quyền, nếu không thực hiện là vi phạm pháp luật.

Lâu nay những người bị bắt giữ thường lầm tưởng về việc khai báo, tưởng rằng khai báo là nghĩa vụ cho nên mặc dù không muốn nhưng vẫn phải phải trả lời các câu hỏi. Đây là sai lầm nhận thức phổ biến vì thực tế bộ luật tố tụng hình sự từ năm 2003 đã quy định người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can được quyền trình bày lời khai, theo đó khai báo là quyền chứ không phải nghĩa vụ. Tới nay luật mới viết rõ hơn, ngoài quyền trình bày lời khai thì mọi người không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

————-

Trên đây là mấy điểm mới của luật sắp có hiệu lực, Luật sư chia sẻ thông tin để mọi người nắm được.

Thông tin chi tiết xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH CÔNG CHÍNH

Đại diện: Luật sư Ngô Ngọc Trai, chức vụ Giám đốc

Website: www.luatcongchinh.vn