Nữ doanh nhân tố bị CSGT hiếp

Xung quanh việc một nữ doanh nhân tố cáo bị thiếu tá CSGT hiếp dâm. PV đã có buổi làm việc với Luật sư Ngô Ngọc Trai (Đoàn luật sư Hà Nội) về vấn đề này. Theo LS Ngô Ngọc Trai, việc lãnh đạo CA tỉnh Hải dương xử lý cán bộ của mình như vậy cũng cần phải xem xét lại, chưa đáp ứng với tinh thần học tập và thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết TW IV. Cũng theo LS. Ngô Ngọc Trai, trường hợp này cần áp dụng khoản 1 Điều 111 Bộ luật Hình sự, mức án mà ông D. có thể phải nhận là từ 2 đến 7 năm tù…

PV: Qua theo dõi trên báo chí và kết luận xử lý của CQĐT công an tỉnh Hải Dương, Luật sư (LS) có những đánh giá thế nào trong vụ thiếu tá CSGT – CA tỉnh Hải Dương bị tố có hành vi hiếp dâm?

LS Ngô Ngọc Trai: Vẫn biết rằng lực lượng công an (CA) với nhiều vạn con người, vụ việc này chỉ là tình trạng con sâu làm rầu nồi canh là khó tránh khỏi. Tuy nhiên thật không thể chấp nhận trong lực lượng CA lại tồn tại một cán bộ như thiếu tá N.T.D. Nếu không xử lý thật nghiêm khắc, thật cương quyết đối tượng như N.T.D., thì sự việc này sẽ là vết nhơ làm ô uế đối với toàn thể lực lượng công an.

Tôi hiểu rằng lực lượng CA gồm những con người mạnh mẽ được rèn rũa trong kỷ luật, tôn trọng trật tự kỷ cương, có sứ mệnh bảo vệ pháp luật, bảo vệ lương dân. Thật không thể chấp nhận việc một cán bộ bỏ ca trực trong giờ làm việc, uống rượu say, phát ngôn thiếu văn hóa. 

Những hành động của ông D được thực hiện giữa ban ngày ban mặt, giữa nơi công cộng, bất chấp người khác, coi thường pháp luật? Đây là đối tượng đã mất tư cách phẩm chất đạo đức tối thiểu, chống lại mọi quy định pháp lý, hủy hoại mọi chuẩn mực đạo lý…

Với những vi phạm của ông D như đã được cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương đã xác định như vậy mà ông D chỉ nhận mức “kỷ luật giáng cấp xuống đại úy, hạ một bậc lương, điều chuyển công tác” thì tôi tin là cần phải xem xét lại mức độ xử lý đối với cán bộ, đảng viên vi phạm…

PV: Ông có thể nói rõ hơn về lý do mà các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong vụ việc này tại sao cần phải xem xét lại việc xử lý cán bộ?

LS Ngô Ngọc Trai: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” của Đảng đã chỉ rõ: Do thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ nên xảy ra tình trạng có cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm đạo đức, lối sống ảnh hưởng đến tư cách, vi phạm những điều đảng viên không được làm, thậm chí có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống gây mất niềm tin của nhân dân. Nội dung của Nghị quyết chính là nói những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm như ông N.T.D.

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng có những cán bộ như D., Nghị quyết đã chỉ rõ: Một là, do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không thường xuyên trau dồi đạo đức, phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên. Hai là, do công tác cán bộ của Đảng ở dưới cơ sở, địa phương còn nhiều sơ hở, bất cập, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của cán bộ thuộc quyền. Ba là, do chưa có chế tài xử phạt đủ mạnh, nghiêm minh những hành vi sai trái của cán bộ, đảng viên, vẫn còn tình trạng còn xuê xoa, tư tưởng “dĩ hòa vi quý” trong công tác cán bộ.

Qua việc xử lý cán bộ đảng viên dưới quyền là ông N.T.D., các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong vụ việc này cũng cần xem lại việc thực thi Nghị quyết Trung ương IV vào trong công tác.

PV: Theo nhận định đánh giá của Luật sư về sự việc, với các tình tiết đã được phản ánh và đã được CQĐT làm rõ thì thiếu tá N.T.D. đã phạm phải tội gì? Mức án có thể phải chịu là thế nào?

LS Ngô Ngọc Trai: Căn cứ vào lời tố giác của bị hại; lời khai của nhân chứng là nhân viên nhà nghỉ chứng kiến sự việc; những tình tiết tại hiện trường như việc xé rách áo váy của bị hại; chiếc xe ô tô nằm trong sân nhà nghỉ với ghế trước cạnh ghế lái ngả ra sau; tình trạng xay sỉn của D…., những nội dung này phải được ghi vào biên bản, cho thấy sự việc có đủ dấu hiệu của tội hiếp dâm. Hành vi hiếp dâm không thành do bị hại vượt thoát được ra ngoài nhưng đó vẫn là tội phạm.

Bộ luật hình sự có quy định về trường hợp phạm tội chưa đạt như sau: Điều 18. Phạm tội chưa đạt: 

Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Như vậy ông N.T.D. vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm, theo quy định tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật hình sự thì mức án từ hai năm đến bảy năm, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

PV: Xin luật sư cho biết trách nhiệm của công an huyện Đông Triều, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) về vụ việc?

LS Ngô Ngọc Trai: Với các dữ kiện như đã nêu ở trên, các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong vụ việc này có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can? Liệu có việc nhân nhượng, bao che, xuê xoa, dĩ hòa vi quý trong việc này hay không? Phải chăng vì đối tượng phạm tội không thành công nên được nương nhẹ không xử lý hình sự mà chỉ xử lý kỷ luật? Đó là những câu hỏi mà các cơ quan chức năng cần phải làm rõ và trả lời trước bạn đọc, nhân dân cả nước…

Việc phải làm ngay là khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với N.T.D về hành vi hiếp dâm, trong quá trình diễn biến xảy ra sự việc, thẩm quyền khởi tố điều tra thuộc cơ quan điều tra nơi xảy ra tội phạm là Công an huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Việc cơ quan điều tra huyện Đông Triều và Viện kiểm sát huyện Đông Triều tới thời điểm này vẫn chưa khởi tố vụ án, bất luận vì lý do gì đều vi phạm các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, nếu tới đây vẫn không khởi tố vụ án thì người đứng đầu hai cơ quan có thể bị xử lý về mặt hình sự.

Bộ luật tố tụng hình sự Điều 12, 13 quy định: Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội.
Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật hình sự Điều 294 quy định: Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội. Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Xin cảm ơn luật sư!

Bài đã đăng trên Phapluatxahoi.vn tại Đây