Người biểu tình có buộc phải khai báo?


Người biểu tình có buộc phải khai báo?

Trên mạng Facebook tràn ngập thông tin hình ảnh về cuộc biểu tình vì cá biển chết. Nhiều người bị bắt giữ vì biểu tình cho biết đã bị nhân viên an ninh lấy lời khai hỏi vặn vẹo này nọ mà không muốn trả lời.

Điển hình như trên trang Dũng Mai của một nhà hoạt động dân oan. Anh Dũng tường thuật về buổi làm việc với nhân viên an ninh tại công an quận Long Biên nơi anh bị bắt về đây vào sáng ngày Chủ nhật 8/5 hôm diễn ra biểu tình tại Hà Nội.

Anh Dũng cho biết từng người bị bắt được tách ra để lấy cung, và anh bị hỏi anh rất nhiều câu hỏi, xin trích dẫn lại một đoạn đối đáp như sau:

– Anh cho biết sáng nay anh làm những gì?

– Xin đi thẳng vấn đề liên quan, tôi không có trách nhiệm khai báo những sinh hoạt cá nhân.

– Anh đến Bờ Hồ bằng phương tiện gì?

– Đến đó bằng phương tiện gì không liên quan đến việc tôi có mặt ở đây.

– Thôi được, anh biết sáng nay có tụ tập đông người biểu tình bằng kênh nào? Trên mạng? Qua bạn bè?

– Tôi không biết.

– Không biết sao anh có mặt?

– Ô, Bờ Hồ là nơi cấm đi dạo sao?

– Anh đi cùng ai?

– Một mình.

– Tôi có bằng chứng anh đi cùng người khác?

– Bằng chứng của anh, hoặc sự chứng minh gì đó là việc của anh. Tôi đến đó một mình vậy thôi.

– Khi anh đến có những ai?

– Rất nhiều.

– Anh thấy những người ở đó cầm khẩu hiệu gì?

– Thấy rõ lắm: CÁ CẦN NƯỚC SẠCH, DÂN CẦN MINH BẠCH, TÔI YÊU CÁ TÔM, ĐẦU ĐỌC BIỂN LÀ TỘI ÁC…

– Anh quen những ai trong số đó?

– Không quen ai cả.

– Anh có biết tụ tập đông người biểu tình là trái pháp luật?

– Hội họp, Biểu tình là quyền của công dân được Hiến định…

Trường hợp của anh Dũng chắc cũng xảy ra với nhiều người khác. Hẳn nhiều người hoang mang lo lắng không biết trách nhiệm nghĩa vụ khai báo của mình như thế nào, nếu không khai báo có bị xử lý gì không?

Là một luật sư, tôi tư vấn cho mọi người như sau: Từ ngày 1/7 tới đây Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực quy định người bị tạm giữ, người bị bắt, bị can đều có quyền: Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Như vậy trước những câu hỏi vì sao anh có mặt ở đó, anh nghe ai xúi đến đó, đến đó với ai, nhằm mục đích gì, anh công tác ở đâu, anh có biết người này người kia không?.v.v.. theo luật thì người dân không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc không buộc phải nhận mình có tội.

Nhiều người bị quấy rối

Trên trang khác của một nhà hoạt động xã hội là Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông viết một status nói về ‘6 giờ rưỡi bị lấy lời khai’ trong đó tường thuật sự việc lúc 8:00 sáng ngày 10/5/2016 khi đang đợi xe bus 31 ở bến xe Long Biên để lên Sheraton thì bị ba người tống lên xe chở về Công an Phường Gia Thụy.

Sau đó nhân viên an ninh hỏi tiến sĩ Nguyễn Quang A nhiều nội dung như chất vấn về địa chỉ email và tài khoản facebook.

Rõ ràng là tiến sĩ Nguyễn Quang A đã phải trả lời những câu hỏi mà mình không muốn. Là một người có kiến thức hiểu biết rộng song ông A hẳn cũng đã bị vất vả mệt nhọc vì phải trả lời các câu hỏi.

Nếu biết thực hiện quyền im lặng và quyền trình bày lời khai ông A đã đỡ vất vả hơn.

Ngay đến luật sư là người nắm luật cũng bối rối khi gặp phải vấn đề khai báo. Vài tháng trước luật sư Võ An Đôn bị nhân viên an ninh lấy lời khai về những nội dung thông tin đăng tải trên facebook cá nhân, họ hỏi face đó có phải của anh Đôn không và luật sư Đôn đã phải nói dối.

Sự việc sau đó gây ồn ào khi luật sư Đôn đăng tải nội dung sự việc và lời thú nhận nói dối trên facebook của mình. Lúc đó nhiều người cũng băn khoăn liệu đặt mình ở vào địa vị của luật sư Đôn thì sẽ thế nào?

Hiện tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 vẫn đang có hiệu lực, và bộ luật này cũng đã có quy định rằng người bị tạm giữ, bị can được quyền trình bày lời khai, tức là khai báo là QUYỀN.

Vì luật quy định khai báo là quyền cho nên khi bị hỏi người dân không có nghĩa vụ phải thực hiện.

Rà soát các quy định pháp luật hiện tại tôi không thấy bất cứ một quy định chế tài nào đối với những người bị bắt không chịu khai báo.

Để hiểu rõ hơn về quyền im lặng xin mời mọi người xem loạt bài viết về quyền im lặng đăng trên BBCVietnamese được đăng lại trên website www.ngongoctrai.com

Bài đã đăng trên BBCVietnamese tại Đây: Google search:’Người biểu tình có buộc phải khai báo’