Kiến nghị nâng lương cho Thẩm phán ngành Tòa án

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

———————

Hà Nội, ngày 09 tháng 5 năm 2018

ĐƠN KIẾN NGHỊ

(Đề nghị nâng lương cho các Thẩm phán Tòa án)

Kính gửi:

– Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

– Chủ tịch nước Trần Đại Quang

– Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

– Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

 Chúng tôi, những người có tên trong danh sách dưới đây.

Là những người có tâm huyết với nền tư pháp nước nhà, có mong muốn thúc đẩy nâng cao năng lực thẩm quyền cho nền tư pháp, để có thể đóng góp được nhiều cho công cuộc quản trị quốc gia. Chúng tôi ý thức được về các quyền của mình theo pháp luật và trách nhiệm của mình trước xã hội.

Hiện tại Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản đang họp và có một nội dung là về vấn đề cải cách tiền lương cho cán bộ công chức. Các cơ quan đã nhận ra không thể duy trì thang bảng lương mang tính chất cào bằng như lâu nay mà phải chấp nhận sẽ có mức cao mức thấp, tùy thuộc vào lĩnh vực và phù hợp với tính chất công việc. Trên cơ sở đó chúng tôi cùng nhất trí có kiến nghị như sau:

Lý do đề nghị tăng lương cho Thẩm phán

Là những người công tác trong lĩnh vực tư pháp, chúng tôi thấy rằng mức lương của cán bộ ngành Tòa án hiện nay quá thấp trong khi công việc họ giải quyết chịu nhiều áp lực tác động.

Một cán bộ Tòa án đã có 10 năm làm việc mà tổng mức lương và phụ cấp mỗi tháng chỉ khoảng 7, 8 triệu đồng. Thư ký tòa án đã 10 năm làm việc lương chỉ khoảng 7 triệu đồng, Thẩm phán được khoảng 8 triệu đồng. Đó thực sự là mức lương quá thấp của cán bộ ngành Tòa án. Khi so sánh áng chừng với mức lương của một chuyên viên pháp chế ngân hàng hay một chuyên viên pháp chế doanh nghiệp làm việc chục năm thì thu nhập của họ có lẽ là cao gấp đôi mức Thẩm phán nêu trên.

Điều này ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới chất lượng hoạt động của ngành tư pháp. Vì hãy thử hình dung là với một mức lương thấp như vậy thì làm sao họ có thể yên tâm công tác, và làm sao họ có thể giữ được sự công tâm khách quan trước những cám dỗ trong khi giải quyết các vụ án?

Chúng tôi cho rằng nghề nghiệp của các Thẩm phán cho phép họ đang nắm giữ một thứ quyền lớn mà người bình thường không ý thức được. Họ có quyền tuyên cho một bên thắng kiện được hàng chục hàng trăm tỷ đồng. Hoặc họ có quyền định đoạt tính mạng sống chết và số năm tù của một đời người.

Đó là thứ quyền lớn nhất trong một xã hội, vì có còn gì quan trọng đối với con người bằng sự sống và cái chết hay tù tội? Những người liên quan sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để tác động vào phán quyết của thẩm phán. Họ có thể bán hết nhà cửa để giữ mạng sống, giảm số năm tù…

Hiện nay kinh tế thị trường đang phát triển, các giao dịch làm dẫn đến các vụ kiện cáo tranh chấp tài sản giá trị lớn trong khi lương thẩm phán thấp, khiến cho công lý trở thành một thứ có thể đem bán tạo thu nhập ngoài lương. Nhiều vụ kiện bị dây dưa kéo dài nhũng nhiễu đương sự…

Có tăng được không?

Tìm hiểu thì được biết, Theo số liệu tính đến ngày 30-6-2013 ngành Toà án nhân dân có 13.624 người, trong đó có 4.957 Thẩm phán (bao gồm 109 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, 1.013 Thẩm phán cấp tỉnh, 3.835 Thẩm phán cấp huyện), 6.702 Thẩm tra viên và Thư ký Toà án, 1.965 chức danh khác. Về số lượng biên chế của các Tòa án quân sự có 333 người, trong đó có 141 Thẩm phán (bao gồm 19 Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương, 54 Thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu, 68 Thẩm phán Tòa án quân sự cấp khu vực).

Chúng tôi giả sử tăng mức lương cho ngành Tòa án như dưới đây và tính ra con số tham khảo như sau:

  1. Mức lương của Thẩm phán cấp huyện hợp lý phải là 30 triệu/tháng, thì với số lượng 3835 Thẩm phán huyện + 68 Thẩm phán tòa án quân sự khu vực, thì số tiền trả lương cho họ một tháng là = 117,090 tỷ đồng.
  2. Mức lương của Thẩm phán cấp tỉnh hợp lý phải là 40 triệu đồng/tháng, với tổng số 1013 Thẩm phán tỉnh + 54 Thẩm phán tòa án quân khu, thì số tiền trả lương cho họ một tháng là = 42,680 tỷ đồng.
  3. Mức lương cho Thẩm phán tối cao hợp lý phải là 60 triệu/ tháng, thì với tổng số 109 Thẩm phán tòa án tối cao + 19 Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương, thì số tiền trả lương cho họ một tháng là = 7,680 tỷ đồng.
  4. Với 702 Thẩm tra viên và Thư ký Toà án, 1.965 chức danh khác và 192 người của Tòa án quân sự, tổng số là 8859 người, mức lương hợp lý là 15 triệu/tháng, tính ra số tiền trả lương cho họ một tháng là 132,885 tỷ đồng.

Vậy tổng số tiền trả lương một tháng trả cho ngành Tòa án là 300,335 tỷ đồng. Tính ra cả năm tổng quỹ lương cho ngành Tòa án là 3604,020 tỷ đồng.

Các con số trên chỉ có tính chất áng chừng tham khảo, nhưng con số cuối cùng chỉ khoảng hơn 3,6 nghìn tỷ đồng/ năm thì không phải là quá lớn.

Hiện tại rất nhiều khối công sản quốc gia đang bị các ban ngành quản lý làm thất thoát với con số nhiều nghìn tỷ đồng, ví như riêng vụ Mobifone mua AVG bị thất thoát lên đến 7000 tỷ đủ để trả 2 năm lương cho ngành Tòa án (khi đã tăng lương như nêu trên). Các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nhiều tỷ đô la như riêng Tập đoàn than khoáng sản đang nợ 100.000 tỷ đồng đủ để trả lương 27 năm lương cho ngành Tòa án. Các hội đoàn thể mỗi năm tiêu tốn 68 nghìn tỷ đồng đủ để trả 18 năm lương cho ngành Tòa.

Chúng tôi cho rằng có một cách khác cho quản trị và xây dựng quốc gia, hợp lý và công bằng hơn. Theo đó phải làm lại việc quản lý sử dụng công sản quốc gia, cắt chi tiêu cho hội đoàn thể, để dành tiền tăng lương cho bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong đó ngành Tòa án là quan trọng nhất.

Hiện nay, nền tư pháp đang là điểm tắc nghẽn cho phát triển kinh tế. Thực tế lâu nay luôn tồn đọng một khối lượng lớn tài sản bị gim giữ trong nền tư pháp do quá trình giải quyết các vụ tranh chấp kéo dài, tài sản chậm được phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu, chậm được đưa vào lưu thông để tạo ra hiệu quả kinh tế.

Không chỉ vậy, lâu nay còn tồn đọng một khối tài sản lớn có tranh chấp trong nhân dân nhưng không được các bên đưa ra giải quyết bởi tòa án vì người ta không tín nhiệm vào tòa án, biểu hiện qua các dự án đắp chiếu đây đó trên cả nước gây thiệt hại cho nền kinh tế. Những thủ tục tư pháp nhiêu khê, thời gian giải quyết quá dài, sự nhũng nhiễu, nạn tham nhũng khiến cho giải pháp tư pháp kém hấp dẫn, nó tệ đến mức người ta bỏ mặc khối tài sản có tranh chấp thay vì nhờ đến tư pháp.

Tầng lớp doanh nhân với kỹ năng và khát vọng làm giàu cũng là một nguồn lực cho phát triển kinh tế. Nhưng nguồn lực này lâu nay kém chất lượng và tính hữu dụng, lý do không phải là vấn đề trình độ tri thức, mà bởi vì họ bị bủa vây vướng mắc trói buộc bởi các tranh chấp về tài sản và quyền lợi không được giải quyết, khiến cho khả năng hành động của họ giảm đi, làm kém đóng góp cho nền kinh tế.

Một lý do khiến chất lượng vận hành của nền tư pháp còn thấp đó là do mức lương quá thấp, khiến cho họ không chuyên tâm vào công việc, hoặc chính họ trở thành lực cản gây tác hại cho lưu thông của cải vật chất. Những điều đó lâu nay không được nhìn ra và tính toán thống kê thiệt hại, nếu được tính toán thống kê con số có thể lên tới hàng tỷ đô la.

Từ nhiều năm nay nhiều người không nhận ra một nền kinh tế thị trường phải song hành với một nền tư pháp đủ tính năng hiệu quả, và không nhận ra sự tồn tại và tính quan trọng của sự lưu thông dòng chảy các quyền và nghĩa vụ pháp lý, mà dòng chảy lưu thông này của các quyền và nghĩa vụ pháp lý quan trọng không kém gì sự lưu thông của dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế.

Nay đứng trước bài toàn về cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ công chức. Chúng tôi cho rằng cần khẩn trương nâng cao mức lương cho cán bộ Tòa án, làm điều này sẽ có tác dụng như một sự đầu tư, khi nó giúp giải phóng các nguồn lực cho nền kinh tế đang bị tồn đọng trong nền tư pháp.

Trên đây là nội dung kiến nghị. Kính mong được các cấp các ngành lắng nghe.

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn!

Danh sách những người tham gia kiến nghị

  1. Luật sư Ngô Ngọc Trai, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội
  2. Luật sư Lê Văn Hồi, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội
  3. Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội
  4. Luật sư Nguyễn Thanh Bình, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội