Kiến nghị cải cách tư pháp liên quan đến vụ Hàn Đức Long

ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH NAM ĐỊNH

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ

NGÔ NGỌC TRAI VÀ CỘNG SỰ

Số: 18/2013/VPLS

V/v Kiến nghị một số nội dung cải cách tư pháp

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——–o0o——–

 

Nam Định, ngày 8 tháng 7 năm 2013

Kính gửi:

– BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH TƯ PHÁP TRUNG ƯƠNG

– CÁC CƠ QUAN TRUYỀN THÔNG BÁO CHÍ

– CÁC LUẬT SƯ VIỆT NAM

 

Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự kính gửi tới Quý Ông, Quý cơ quan lời chào trân trọng và kiến nghị mấy nội dung như sau:

Chương trình cải cách tư pháp Trung ương đã triển khai được nhiều năm nhưng là người công tác trong ngành tư pháp tôi thực sự chưa thấy được những chuyển biến mạnh mẽ rõ rệt từ kết quả hoạt động của chương trình cải cách tư pháp.

Do vậy tôi đề xuất sửa đổi một số nội dung quy định pháp luật dưới đây liên quan đến chương trình cải cách tư pháp, kính mong được quan tâm.

Tử tù Hàn Đức Long đang bị giam giữ tại Trại giam Kế tỉnh Bắc Giang hiện nằm trong danh sách chuẩn bị thi hành án tử hình theo chính sách mới của chính phủ có hiệu lực từ ngày 27/6/2013 (Nghị định 47/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 82/2011/NĐ-CP quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc).

Là luật sư từng tham gia bào chữa cho bị cáo và có đầy đủ chứng cứ chứng minh bị cáo bị oan, mặc dù đã kêu cứu nhiều nhưng kết cục vẫn như hiện nay. Đã tròn 8 năm kể từ ngày xảy ra vụ án (26/6/2005) và cũng ngần ấy thời gian bị cáo Long chịu nỗi oan khuất nơi ngục tối, điều này không khỏi làm day dứt lương tâm con người.

Vụ án oan này là tổng hợp của mọi khiếm khuyết của nền tư pháp nước nhà, trong đó bao gồm nhưng không chỉ tình trạng truy bức nhục hình trong giai đoạn điều tra và tình trạng án tuyên được duyệt từ trước mà không căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Hiện tại Đảng và nhà nước đang có chủ trương cải cách tư pháp và để chính sách hành công rất nên kết hợp với một vụ án điển hình như vụ Hàn Đức Long.

V/ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI LUẬT

Vụ án oan sai là sự thực, việc bắt giam và kết tội Long không dựa trên bất cứ một chứng cứ trực tiếp nào mà chỉ dựa vào lời khai nhận tội và suy diễn. Sau 04 tháng không tìm ra thủ phạm, cơ quan điều tra dựa vào lời tố cáo hiếp dâm của cụ Khuyến, chị Năm để bắt Long sau đó có được lời thú tội vụ cháu Yến. Nhưng suốt 8 năm với 4 phiên tòa HĐXX đều tuyên Long KHÔNG PHẠM TỘI hiếp dâm cụ Khuyến, chị Năm trong khi bị hại còn sống nhưng lại vẫn tuyên được là Long giết hiếp cháu Yến mặc dù bị hại đã chết.

Từ vụ án này cho thấy nổi lên hai vấn đề đặc biệt đáng quan tâm của hệ thống tư pháp mà lâu nay dư luận đã phản ảnh nhiều, đó là tình trạng truy bức nhục hình trong quá trình điều tra và tình trạng duyệt án từ trước và không căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa.

Qua vụ án này xin kiến nghị một số vấn đề pháp lý như sau:

Thứ nhất: Quyền được giữ im lặng của bị can bị cáo

Xét về bản chất con người thì không ai phản bội lại chính mình, việc khai báo ngày hôm nay có thể là tài liệu chống lại mình ngày mai thì bình thường không ai muốn khai báo. Trong thực tế, chỉ nhờ truy bức nhục hình thì mới buộc được người ta phải khai báo.

Xét về bản chất của luật pháp, việc điều tra xử lý tội phạm chính nhằm bảo vệ luật pháp, bảo vệ các quyền công dân, như vậy việc bức hiếp buộc khai báo đã xâm phạm tới một quan hệ pháp luật khác cũng cần được pháp luật bảo vệ, đó là quyền được bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự nhân phẩm của công dân.

Như vậy việc xử lý vụ án ban đầu mang ý nghĩa tốt nếu sử dụng nhục hình thì đó lại là cách thức phản lại chính ý nghĩa ban đầu của việc điều tra xử lý tội phạm. Đây là sự bất dung hòa về thang giá trị giữa phương tiện và mục tiêu.

Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 6 quy định: Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.

Thực tế việc truy bức nhục hình vẫn xảy ra dưới hình thức này hình thức khác. Để giải quyết tình trạng này cần quy định bị can bị cáo được quyền giữ im lặng hoặc chỉ đồng ý khai báo khi việc lấy lời khai có sự tham gia của luật sư bào chữa. Đây cũng là quy định văn minh tiến bộ mà tố tụng hình sự nhiều nước đã quy định.

Thứ hai: Quy định lời khai của bị can bị cáo không là chứng cứ

Bộ luật tố tụng hình sự hiện tại quy định chứng cứ như sau:

Điều 64. Chứng cứ

1. Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

2. Chứng cứ được xác định bằng:

A) Vật chứng;

B) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;

C) Kết luận giám định;

D) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

Quy định như trên chỉ coi trọng về quy trình thu thập chứng cứ mà không coi trọng tính chân thực của chứng cứ. Quy định chứng cứ là những gì có thật là chưa đủ, cần bổ sung thêm chứng cứ phải mang giá trị khách quan.

Xét ví dụ lời khai của bị cáo có là chứng cứ hay không thì thấy: Đương nhiên có việc bị cáo khai báo, đó là cái có xảy ra và đó là sự thật. Nhưng điều quan trọng không phải là sự thật về bản thân việc khai báo mà quan trọng là sự thật trong nội dung khai báo. Chứng cứ cần sự khách quan nhưng lời khai lại thường không khách quan, vì dù bị cáo khai có lợi hay bất lợi cho chính mình thì cũng không khách quan. Nếu bị cáo khai báo có lợi cho mình thì có thể nghi ngờ bị cáo gian dối chối tội, nếu bị cáo khai bất lợi cho mình thì đó là điều không bình thường trong hành vi con người, có thể nghi ngờ việc khai báo đó không đảm bảo yếu tố an toàn về thân thể hoặc tỉnh táo về tinh thần.

Chứng cứ cần phải liên hệ và tồn tại ở thời điểm xảy ra vụ án, như thế mới có thể giúp làm sáng tỏ vụ án. Các tài liệu như biên bản hoạt động điều tra, biên bản ghi lời khai, thì đây là các giấy tờ phát sinh sau này, không tồn tại ở thời điểm xảy ra vụ án. Đó đơn thuần chỉ là các tài liệu trong hồ sơ vụ án giống như các quyết định khởi tố vụ án, lệnh bắt giam, đó không phải là cơ sở để xác định diễn biến sự việc đã xảy ra như thế nào.

Quy định lời khai của bị can bị cáo cũng là chứng cứ nên thực tế đã xảy ra tình trạng là cơ quan điều tra thay vì nhọc công đi tìm các tài liệu bằng chứng xác thực khác, họ chỉ xoáy sâu vào việc bắt giam sau đó truy bức nhục hình cho người này khai nhận hành vi phạm tội, từ đó cho ra kết luận điều tra.

Thứ ba: Điều tra viên phải là người tham gia tố tụng

Bộ luật tố tụng hình sự hiện tại quy định Điều tra viên là người tiến hành tố tụng mà không phải là người tham gia tố tụng, điều này cần sửa lại theo hướng điều tra viên phải tham gia tố tụng tại phiên tòa.

Nhiều tài liệu chứng cứ cần thiết phải được xác định lại nguồn gốc quy trình thu thập từ đó xác định chứng cứ có được thu thập hợp pháp hay không để có đủ giá trị pháp lý cũng như độ tin cậy hay không.

Hiện nay điều tra viên không phải tham gia tố tụng do vậy không có điều kiện để thẩm định lại quy trình thu thập chứng cứ, không có cơ hội đối chất giữa cán bộ điều tra và bị cáo trong việc xác định có hay không sự truy bức nhục hình?

III/ KÍNH MONG ĐƯỢC CỨU GIÚP

1. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Chúng tôi hiểu rằng trọng tâm của cải cách tư pháp là hoạt động điều tra, xét xử. Vụ án oan Hàn Đức Long là điển hình cho việc trong điều tra còn hiện tượng bức cung nhục hình, trong xét xử còn mang nặng yếu tố họp duyệt án từ trước, kết quả tuyên án chưa dựa vào kết quả tranh luận tại phiên tòa.

Đức phật dạy rằng cứu một mạng người phúc đẳng hà sa, Kính mong Chủ tịch nước ân giảm án tử hình cho bị cáo Hàn Đức Long, thời gian gấp gáp, có người đang mong cho bị cáo chết sớm để vụ việc được khép lại. Những người phải chịu trách nhiệm về vụ án oan này hiện đang giữ các cương vị lãnh đạo trong các ngành.

2. Kính mong Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao căn cứ Điều 273 Bộ luật tố tụng hình sự, ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm với hai lý do: 1. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 2.Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử;

3. Chúng tôi được biết thẩm quyền của Ban nội chính trung ương là: Nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính (được xác định gồm viện kiểm sát, tòa án, tư pháp và các cơ quan có chức năng tư pháp trong công an, quân đội). Đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án.

Như thế Ban nội chính trung ương có thẩm quyền và trách nhiệm xem xét lại vụ án oan sai Hàn Đức Long vì vụ án này có liên quan đến hoạt động của các cơ quan thuộc khối nội chính (gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án), và liên quan đến sửa đổi một số quy định khiếm khuyết của bộ luật tố tụng hình sự thuộc công tác xây dựng pháp luật thuộc mảng vấn đề thẩm quyền của Ban nội chính trung ương. Do vậy kính mong Ban nội chính trung ương nhận lãnh trách nhiệm xem xét cứu vớt bị cáo trong vụ án oan sai này.

4. Kính mong các cơ quan báo chí đưa tin phản ánh về vụ án oan khuất này, được như thế là đã đóng góp dựng xây cho nền tư pháp nước nhà vốn còn nhiều khiếm khuyết rất cần được chung tay xây dựng.

Rất mong nhận được sự quan tâm.

Xin trân trọng cảm ơn!

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ

NGÔ NGỌC TRAI VÀ CỘNG SỰ

TRƯỞNG VĂN PHÒNG