Khó khăn khi thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc

Theo Nghị định 47/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 82/2011/NĐ-CP ngày 16-9-2011 của Chính phủ, từ hôm nay (27-6), các phạm nhân bị kết án tử hình sẽ thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Phạm nhân Hàn Đức Long, một trong hơn 20 tử tù tại Trại giam Công an tỉnh.
 

Giảm áp lực cho các trại giam

Theo Nghị định 82, từ ngày 1-11-2011, các phạm nhân bị kết án tử hình sẽ thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc thay vì bắn như trước. Tuy nhiên, do Nghị định 82 quy định nguồn thuốc độc nhập từ nước ngoài nên việc thi hành án bằng hình thức này chưa khả thi.

Ngày 13-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 47/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 82, trong đó quy định thay thế nguồn thuốc độc ngoại nhập bằng thuốc sản xuất trong nước và có hiệu lực thi hành từ ngày 27-6-2013.

Theo đó, hơn 560 người bị kết án tử hình sẽ thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc. Qua đó giảm áp lực, khó khăn cho công tác quản lý giam giữ người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án trên địa bàn cả nước, trong đó tỉnh Bắc Giang có số phạm nhân khá lớn, đứng thứ 5 của cả nước.

Đại tá Nguyễn Duy Đức, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết: Sau nhiều năm ngừng thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn, lượng phạm nhân chờ thi hành án tử hình tại Trại tăng lên 26 người, đông nhất từ trước đến nay. Nơi giam giữ theo đó quá tải. Từ 6 buồng giam tử tù ban đầu, đơn vị phải cải tạo hơn chục phòng khác, đồng thời việc quản lý, bảo vệ phạm nhân gặp nhiều khó khăn, áp lực. Trong thời gian chờ thi hành án, một số phạm nhân có biểu hiện chống đối, đưa ra những đòi hỏi không đúng quy định của pháp luật, khi không được đáp ứng tỏ thái độ chống đối như tuyệt thực, hoặc tìm cách tự vẫn…

Lãnh đạo Trại phải tăng cường lực lượng kiểm sát giam giữ, bảo vệ số phạm nhân này kết hợp kiên trì tuyên truyền, giáo dục. Việc triển khai thi hành án tử hình bằng hình thức mới giúp cho công tác quản lý, giam giữ tử tù giảm áp lực. 

Chưa thuận lợi về cơ sở vật chất

Bên cạnh ưu điểm, việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thượng tá Hoàng Thế Vinh, Trưởng phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Công an tỉnh) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Hội đồng Thi hành án hình sự Trung ương, đơn vị đã cử 5 cán bộ tham dự lớp tập huấn về công tác thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc do Bộ Công an phối hợp tổ chức. Việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc là biện pháp hiện đại, nhiều ưu việt, thể hiện rõ tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với tử tù. Người bị thi hành án không phải chịu đau đớn mà sau khi tiêm thuốc độc sẽ giống như đi vào giấc ngủ sâu. Công tác bảo đảm an ninh trật tự khu vực thi hành án thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, cũng theo Thượng tá Hoàng Thế Vinh, quá trình thực hiện cũng không tránh khỏi những khó khăn do cơ sở vật chất phục vụ thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc đòi hỏi xây dựng công phu, tốn kém kinh phí hơn.

Hiện tại, cả nước mới có 5 tỉnh, thành phố xây dựng được cơ sở vật chất đủ điều kiện cho việc thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc là Sơn La, Đắc Lắc, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội. Bắc Giang là một trong 15 tỉnh, thành phố trong cả nước được phép xây dựng nhà thi hành án tử hình theo hình thức mới. Tuy nhiên hiện công trình chưa được khởi công xây dựng nên trước mắt cơ quan chức năng vẫn phải đưa tử tù ra Hà Nội thi hành án. 

Theo Đại tá Nguyễn Duy Đức, việc áp tải tử tù về Hà Nội thi hành án là một khó khăn lớn vì quãng đường di chuyển dài, để bảo đảm an toàn trong khi di chuyển tử tù phải huy động lực lượng áp tải, bảo vệ đông hơn nhưng vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Ngay cả khi án đã được thi hành thì việc tổ chức mai táng cho tử tù theo quy định của pháp luật cũng phức tạp hơn trước.

Do đó, có ý kiến đề xuất để giảm các thủ tục, tạo thuận lợi cho việc thi hành án tử hình tại các địa phương, nhất là ở những nơi chưa xây dựng được nhà thi hành án, trong điều kiện hiện nay, nên chăng cho phép tồn tại song song hai hình thức thi hành án tử hình là xử bắn và tiêm thuốc độc.

Cụ thể là địa phương nào đã xây dựng được cơ sở vật chất phục vụ thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc thì áp dụng hình thức này, ngược lại, nơi nào chưa chuẩn bị được đầy đủ cơ sở vật chất thì vẫn thực hiện theo hình thức cũ là xử bắn.

Thuỳ Ninh – Lê Dũng

Theo Baobacgiang.com.vn