Khảo luận (Phần 1): Về vai trò của nền tư pháp trong thúc đẩy kinh tế

KHẢO LUẬN

VỀ VAI TRÒ CỦA NỀN TƯ PHÁP TRONG VIỆC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Giám đốc Công ty luật TNHH Công chính

I/ VAI TRÒ CỦA TƯ PHÁP TRONG THÚC ĐẨY KINH TẾ

Mới đây, để tìm cách thúc đẩy phát triển nền kinh tế Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản đã họp bàn và cho ra đời một nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó kinh tế tư nhân được coi trọng và được hy vọng sẽ trở thành động lực mới cho nền kinh tế. Điều đó cho thấy mối bận tâm và nỗ lực của hệ thống chính trị hiện tại trong vấn đề thúc đẩy phát triển tăng trưởng kinh tế.

Là một tổ chức hành nghề luật sư, chúng tôi nhìn ra vai trò của nền tư pháp trong thúc đẩy phát triển kinh tế mà nhiều cấp ngành chưa nhận ra. Nền tư pháp yếu kém nhiều bất cập lâu nay đang là một rào cản, một điểm gây tắc nghẽn cho phát triển kinh tế.

Cách nhìn mới cho vấn đề cũ

Lâu nay khi họp bàn đưa ra giải pháp cho phát triển kinh tế quay đi quay lại vẫn chỉ mấy vấn đề cũ, như cải cách thủ tục hành chính mời gọi đầu tư nước ngoài, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp, loại bỏ những rào cản danh mục điều kiện ngành nghề kinh doanh, tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… và mới đây là chính sách về kinh tế tư nhân.

Đó đều là những vấn đề mang tư duy nhận thức thuần tính kinh tế, còn thì chưa thấy ai chỉ ra vai trò tác dụng của nền tư pháp đối với nền kinh tế. Không thấy ai chỉ ra xem nền kinh tế phát triển lớn mạnh nhanh chậm thế nào, có nguyên nhân ảnh hưởng từ nền tư pháp ra sao. Để hiểu rõ hơn thì xem xét vấn đề thế này:

Lâu nay nhiều người bàn nhiều đến các vấn đề như nợ xấu ngân hàng, dự án đắp chiếu, doanh nghiệp phá sản mà không nhìn ra bản chất trong đó là các hợp đồng kinh tế bị vi phạm.

Trong khi rõ ràng là trong các khoản nợ xấu ngân hàng, dự án đắp chiếu hay doanh nghiệp phá sản đã tồn tại các bản hợp đồng được ký kết giữa các bên, và bên nào đó đã vi phạm khiến dẫn đến đổ vỡ quan hệ hợp đồng. Chưa cần bàn xem vì sao các bên vi phạm cam kết, nhưng rõ ràng bên bị vi phạm có quyền khởi kiện để giải quyết yêu cầu đền bù thiệt hại. Nếu việc này được thực hiện nhanh chóng khẩn trương nhờ một cơ chế tư pháp hiệu quả, thì vấn đề sẽ sớm được giải quyết, phạm vi hậu quả kinh tế đã được thu hẹp, không để bị tồn đọng thành các khối hậu quả lớn.

Vậy trên thực tế tồn tại các khoản nợ xấu lớn hoặc các dự án đình trệ nhiều năm, rõ ràng là bên bị thiệt hại đã không tìm nhờ đến tòa án để giải quyết để bảo vệ quyền lợi. Nền tư pháp đã không được doanh nghiệp tín nhiệm. Hệ quả là các vi phạm hợp đồng bị để đó không được giải quyết, khiến cho các mối quyền lợi nghĩa vụ bị ùn ứ thành đống lớn. Để khai thông dòng chảy về các quyền, nghĩa vụ và tài sản thì cần đến vai trò của nền tư pháp. Một nền tư pháp đủ tính năng hiệu quả sẽ giúp tạo ra sự rõ ràng minh bạch về các khối tài sản, từ đó tạo chất lượng nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Nền kinh tế cần được xây dựng phát triển theo chiều sâu

Nền kinh tế ở Việt Nam lâu nay được chăm lo phát triển qua mấy chục năm nhưng mới chỉ ở góc độ vĩ mô, phát triển theo chiều rộng. Đã đến lúc các ban ngành cần phát triển kinh tế theo chiều sâu, tạo ra sự bền vững cho kinh tế. Liên quan đến việc nền tư pháp đang là điểm tắc nghẽn cho phát triển kinh tế, một nguyên nhân khiến gây ra tình trạng này là do còn thiếu luật chi tiết về hợp đồng.

Từ lâu nay các ban ngành đã xây dựng luật về đầu tư, luật về thương mại, luật về doanh nghiệp, nhưng lại chưa có luật về hợp đồng, trong khi hợp đồng là yếu tố pháp lý căn bản của mọi hoạt động đầu tư, thương mại hay doanh nghiệp. Đây là một lỗ hổng và điều này rõ ràng ảnh hưởng đến khả năng thực thi các cam kết hợp đồng, cũng như ảnh hưởng đến khả năng giải quyết các tranh chấp, mà do vậy ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.

Đừng quên rằng phương Tây họ đã phát triển thương mại và hợp đồng từ hàng mấy trăm năm trước. Những vấn đề lớn như việc các nước phương Tây đô hộ các vùng đất châu Á như nước Anh quản lý Hồng Kong, Bồ Đào Nha quản lý Macao thực tế cũng bằng các bản khế ước hợp đồng.

Hợp đồng là yếu tố nền tảng căn bản cho các hoạt động của thương mại quốc tế, luật về hợp đồng là văn bản pháp lý quan trọng cho phát triển kinh tế, thiếu nó nền kinh tế kém đi chiều sâu bền vững. Mặc dù quy định về hợp đồng đã được thể hiện trong Bộ luật dân sự, nhưng tính quan trọng của nó đòi hỏi cần phải có hẳn một luật riêng về hợp đồng.

Sự kém coi trọng vấn đề hợp đồng cũng tương tự như trong hệ thống pháp luật hình sự hiện nay mặc dù đã có luật về điều tra, luật về tội phạm hình sự, luật về tố tụng hình sự, nhưng lại không có luật về chứng cứ, trong khi vấn đề chứng cứ cũng lại là yếu tố căn bản của toàn bộ hệ thống pháp luật về hình sự. Toàn bộ hoạt động điều tra đều chỉ xoay quanh vấn đề thu thập tìm kiếm chứng cứ, toàn bộ hoạt động truy tố và xét xử cũng chỉ xoay quanh vấn đề xem xét đánh giá chứng cứ.

Kém coi trọng và thiếu hẳn một luật về chứng cứ là nguyên nhân đã dẫn đến một loạt các vấn đề nổi cộm lâu nay như bức cung nhục hình và oan sai, mà chỉ cho tới gần đây vấn đề chứng cứ mới được bù đắp phần nào giúp củng cố chặt chẽ thêm khi bộ luật tố tụng hình sự đã bổ sung thêm quy định về quyền im lặng và buộc ghi âm ghi hình khi hỏi cung.

Dẫn ra như thế để so sánh thấy được việc thiếu những luật điều chỉnh các vấn đề căn bản quan trọng bộc lộ một lối quan điểm nhận thức trong xây dựng hệ thống thiếu chiều sâu nền tảng, chỉ ‘ăn xổi ở thì’ với những giải pháp trước mắt đáp ứng cho cái khát vọng tối thiểu thô sơ kiểu ‘no cơm ấm áo’. Đây là tâm lý nhận thức cần được thay đổi của những người hoạch định đường lối phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế đã phát triển đến độ đủ phức tạp đòi hỏi năng lực tầm nhìn quản trị mới có chiều sâu. Nhận ra vai trò của nền tư pháp đối với nền kinh tế thị trường là một phần trong năng lực tầm nhìn cần có đó.

Nền tư pháp rất quan trọng đối với nền kinh tế ở chỗ nó giải phóng và cung cấp các nguồn lực cho phát triển kinh tế. Thực tế lâu nay luôn tồn đọng một khối lượng tài sản lớn bị gim giữ trong nền tư pháp do quá trình giải quyết các vụ tranh chấp kéo dài, tài sản chậm được phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu, chậm được đưa vào lưu thông để tạo ra hiệu quả kinh tế.

Không chỉ vậy, lâu nay còn tồn đọng một khối tài sản lớn có tranh chấp trong nhân dân nhưng không được các bên đưa ra giải quyết bởi tòa án vì người ta không tín nhiệm vào tòa án. Những thủ tục tư pháp nhiêu khê, thời gian giải quyết quá dài, sự nhũng nhiễu, nạn tham nhũng khiến cho giải pháp tư pháp kém hấp dẫn, nó tệ đến mức người ta bỏ mặc khối tài sản có tranh chấp thay vì nhờ đến tư pháp. Từ đó gây hậu quả xấu cho nền kinh tế.

Tầng lớp doanh nhân với kỹ năng và khát vọng làm giàu cũng là một nguồn lực cho phát triển kinh tế. Nhưng nguồn lực này lâu nay kém chất lượng, lý do không phải là vấn đề trình độ tri thức mà bởi vì họ bị bủa vây vướng mắc trói buộc bởi các tranh chấp về tài sản và quyền lợi không được giải quyết, khiến cho khả năng hành động của họ giảm đi, làm kém đóng góp cho nền kinh tế.

Nền tư pháp yếu kém còn khuyến khích vi phạm hợp đồng, vì kẻ vi phạm hiểu rằng bên kia sẽ tốn kém khi theo đòi quyền lợi công bằng. Đó là những tác hại tiềm ẩn ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế mà lâu ít ai nhận ra, muốn nhìn ra được thì phải có tư duy tư pháp mới nhìn ra được, thay vì chỉ nhìn vấn đề thuần theo tính kinh tế.

Nền tư pháp có vai trò giúp khai thông dòng chảy các quyền và nghĩa vụ pháp lý.

Lâu nay để tìm cách thúc đẩy phát triển nền kinh tế nhiều người chỉ nghĩ đến các khoản tiền vốn đầu tư, như đầu tư ODA, đầu tư FDI hay các khoản vốn vay trái phiếu Chính phủ, vay Ngân hàng quốc tế để thực hiện các dự án đầu tư trong nước. Đã có ít hơn sự quan tâm tìm kiếm thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách khơi dậy sức dân, khai phá tiềm lực trong nhân dân, kêu gọi người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh. Hoặc là cũng có chủ trương muốn vậy nhưng không biết làm cách nào để thúc người dân bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh thay vì cất giữ trong nhà.

Một điều quan trọng cần được hiểu là trong thời đại ngày nay nguy cơ xâm hại tới tài sản của người dân và doanh nghiệp không phải là từ giặc giã chiến tranh, mà nguy cơ đến từ sự vi phạm cam kết của chính những bạn hàng đối tác. Do vậy để người dân và doanh nghiệp yên tâm làm ăn, cần phải minh chứng cho họ thấy được là quyền lợi hợp pháp và tài sản của họ sẽ được bảo vệ nhanh chóng hiệu quả, và điều này chính là muốn nói đến vai trò trách nhiệm của nền tư pháp.

Nền tư pháp phải đủ mạnh, đủ hiệu quả để đảm bảo tài sản của các bên được bênh vực bảo vệ thay vì bị giải quyết dây dưa kéo dài hoặc bỏ mặc. Trong nền tư pháp thì Tòa án là thiết chế trung tâm, Tòa án cần trở thành nơi mà mọi người tìm đến để cậy nhờ bảo vệ, thay vì là thứ người ta ngao ngán chẳng thèm nghĩ đến. Một khi tòa án không chứng minh được khả năng đảm bảo công bằng nó sẽ triệt tiêu đi động lực cố gắng trong mỗi người. Khi đó tiền vàng sẽ nằm im trong két sắt gia đình thay vì được đưa vào lưu thông, theo đó nguồn vốn đầu tư của xã hội sẽ bị vơi cạn. Mà tiền trong dân thì nhiều ít không biết thế nào nhưng có lẽ cũng không ít hơn bao nhiêu so với các khoản vay quốc tế.

Cho nên để tìm đường hướng phát triển kinh tế, thay vì chỉ chú tâm kiếm tìm các khoản vốn đầu tư nước ngoài, thì hãy quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước, để khơi dậy và khai phá tiềm lực trong nhân dân. Môi trường đầu tư kinh doanh ở đây không chỉ gói gọn trong phạm vi các quy định thủ tục hành chính đầu tư kinh doanh như lâu nay vẫn được nhắc đến, mà nó còn đòi hỏi ở cả môi trường tư pháp hiệu quả nghiêm minh.

Sau mấy chục năm hội nhập, nhiều người đã thống nhất nhận thức rằng một nền kinh tế thị trường phải đi đôi với một hệ thống pháp luật minh bạch rõ ràng (đây là điều mà các chuyên gia tư vấn quốc tế vẫn thường nói đến). Và thực tế là ở Việt Nam lâu nay các ban ngành cũng đã quan tâm đến khâu làm luật của Chính phủ và Quốc hội nhằm cải thiện các vấn đề pháp luật đầu tư kinh doanh.

Song nhiều người vẫn chưa nhận ra một nền kinh tế thị trường phải song hành với một nền tư pháp đủ tính năng hiệu quả. Vì dù cho các quy định thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh đã rõ ràng minh bạch, nhưng người ta vẫn chưa yên tâm bỏ tiền ra đầu tư nếu vẫn còn những lo ngại rằng những tranh chấp vướng mắc trong quá trình làm ăn sẽ không được xử lý nhanh chóng chính xác.

Tức là lâu nay nhiều người mới chỉ chú trọng các vấn đề đầu vào như các vấn đề tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, khai thông vướng mắc cho thành lập doanh nghiệp, trong khi lại chưa coi trọng các vấn đề về sau. Ví như thủ tục thành lập doanh nghiệp đã được cải thiện nhanh gọn mau chóng, trong khi thủ tục phá sản doanh nghiệp do tòa án tiến hành thì vẫn nhiêu khê phức tạp rối rắm (và trở thành điểm tắc nghẽn). Hoặc sau khi doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư rồi thì lại không lo giúp đỡ xử lý giải quyết các tranh chấp vướng mắc trong quá trình kinh doanh (bằng việc để tồn tại một nền tư pháp còn thiếu tính năng hiệu quả).

Điều này tạo ra sự mắc nghẽn của dòng chảy các quyền và nghĩa vụ pháp lý, mà khơi thông nó chính là vai trò tác dụng của nền tư pháp.

Nhiều người không nhận ra sự tồn tại và tính quan trọng của sự lưu thông dòng chảy các quyền và nghĩa vụ pháp lý. Tôi cho rằng sự lưu thông của dòng chảy các quyền và nghĩa vụ pháp lý quan trọng chẳng kém gì sự lưu thông dòng chảy tài chính tiền tệ trong môi trường kinh tế. Một khi dòng chảy các quyền và nghĩa vụ pháp lý bị tắc nghẽn do khâu tư pháp yếu kém, nó sẽ cản trở sự minh bạch rõ ràng về tài sản và quyền lợi, cản trở tính năng hữu dụng của các nguồn lực dành cho phát triển kinh tế.

Tư pháp yếu kém cũng biểu hiện ở chỗ thời gian giải quyết các vụ án thường bị kéo dài. Và khi phán quyết đã có rồi thì khâu thi hành án cũng tồn tại những nhiêu khê khiến nó trở thành điểm nghẽn trong việc phân định tài sản, khiến cho tài sản chậm được phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu, từ đó chậm được đưa vào lưu thông để tạo ra hiệu quả kinh tế.

Cho nên một nền kinh tế thị trường đòi hỏi một nền tư pháp mạnh.

Khi nền tư pháp yếu, không chứng tỏ được luật pháp nghiêm minh, sẽ tạo ra môi trường pháp lý mơ hồ khiến người dân và doanh nghiệp nhận thức phán đoán sai về các tín hiệu, dẫn đến các suy tính quyết định kinh tế sai lầm. Để tránh những thiệt hại cho nền kinh tế, cần thúc đẩy nâng cao tính năng hiệu quả của nền tư pháp, để tư pháp trở thành điểm đột phá cho phát triển kinh tế, thay vì là điểm tắc nghẽn gây cản trở cho sự phát triển kinh tế như hiện nay.

Tài sản lưu thông mới tạo ra giá trị, muốn lưu thông được thì phải rõ ràng về chủ quyền sở hữu.

Một thực trạng xấu đối với nền tư pháp lâu nay là thời gian giải quyết các vụ án tranh chấp thường bị kéo dài. Hầu hết các vụ án thường bị mất thời gian để giải quyết lâu hơn cần thiết, khiến người dân và doanh nghiệp mất nhiều thời gian công sức. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là mức lương của cán bộ tòa án hiện còn thấp.

Việc dây dưa kéo dài là một hình thức sách nhiễu làm tiền đương sự, để nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ tòa án thì cần nâng cao mức lương cho họ. Bởi một khi còn phải vướng bận lo toan cho các chi tiêu đời sống gia đình, họ sẽ không thể vô tư, thay vào đó họ cài gắn lợi ích của mình vào việc giải quyết các vụ án. Ngân sách nhà nước cần cân đối các khoản chi, dành một mức cao hơn cho ngành tư pháp. Bằng cách rút bớt khoản chi cho các hội đoàn hoạt động không rõ tính thiết thực, hoặc dừng việc chi tiêu đầu tư cho các dự án công trình chưa thực sự cấp thiết.

Việc kéo dài thời gian giải quyết các vụ án dân sự dẫn đến những thiệt hại lớn cho nền kinh tế mà lâu nay chưa được nhận ra và tính toán thống kê. Một cuốn sách đã lưu hành rộng trên thế giới và đã được dịch xuất bản ở Việt Nam có tiêu đề ‘Sự bí ẩn của tư bản’, tiêu đề phụ là Vì sao chủ nghĩa tư bản thành công ở Phương Tây và thất bại ở mọi nơi khác?

Nội dung cuốn sách đã nhận định rằng: Sự thành công của các nền kinh tế tư bản Phương Tây là do khả năng xác lập rõ ràng minh bạch chứng từ về tài sản rồi đưa vào lưu thông. Tài sản khi không được lưu thông sẽ không tạo ra giá trị, khiến cho nền kinh tế không thể phát triển. Mà tài sản chỉ có thể được đưa vào lưu thông khi nó được chứng từ hóa, tức là có thông số dữ liệu biểu đạt, ví như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận sở hữu nhà, xe ô tô, hoặc cổ phiếu.

Khi tài sản được biểu đạt qua những chứng từ đó sẽ giúp nó có hồ sơ như hồ sơ cá nhân, có thể đưa vào cầm cố thế chấp hoặc chuyển nhượng. Tạo ra sự lưu thông rộng khắp của tài sản. Muốn được như vậy thì tài sản cần được xác lập rõ ràng về chủ quyền sở hữu, xem ai sở hữu tài sản gì. Khi tài sản chậm được xác lập rõ ràng về chủ quyền sở hữu thì đương nhiên sẽ bị hạn chế ở khâu lưu thông.

Từ luận điểm trên đối chiếu với thực tế Việt Nam thì thấy:

Ở Việt Nam lâu nay luôn tồn tại một khối lượng rất lớn tài sản chậm được phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu và do đó chậm được đưa vào lưu thông vì lý do nó còn nằm trong giai đoạn tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp ở tòa án. Rất nhiều tài sản được cầm cố, thế chấp hoặc tiền vay lẫn nhau, vay ngân hàng, hoặc các khối tài sản tranh chấp giữa những người dân và doanh nghiệp, đã rất chậm trễ trong việc phân định rõ ràng chủ quyền sở hữu.

Lý do như trên đã chỉ ra đó là thời gian giải quyết một vụ án dân sự thường bị kéo dài. Nhiều dự án sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ vì phải đợi tòa án phân định về chủ quyền sở hữu tài sản. Nhiều khối tài sản có vướng mắc tranh chấp nhưng các đương sự còn không thèm đưa ra tòa giải quyết vì không tín nhiệm vào giải pháp tòa án, họ sợ sẽ mất thêm thời gian công sức tiền bạc. Sự yếu kém của tòa án là chướng ngại lớn cho việc bạch hóa về chủ quyền sở hữu, khiến tài sản chậm được đưa vào lưu thông. Và tài sản không được lưu thông thì không tạo ra giá trị, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.

Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế mà lâu nay đã không được nhận ra và tính toán thống kê thiệt hại.

(Còn tiếp)