Hiến pháp nên bớt quyền Chính phủ

Theo quyết định của Bộ chính trị, Ban kinh tế trung ương có nhiệm vụ chủ trì, tham gia nghiên cứu thẩm định các đề án kinh tế – xã hội quan trọng trước khi trình Bộ chính trị, Ban bí thư.

Việc tái lập Ban kinh tế trung ương là bằng chứng cho thấy các cơ quan Đảng đã giảm sút niềm tin đối với hiệu quả điều hành kinh tế của Chính phủ. Ngoài ra cũng cho thấy Đảng muốn lấy lại thực quyền điều hành kinh tế vốn lâu nay do Chính phủ cầm trịch.

Một nguyên lý đơn giản là người lãnh đạo phải có trình độ hiểu biết, nắm chắc vấn đề hơn cấp dưới. Nếu yếu kém hơn, lãnh đạo dễ dàng bị cấp dưới qua mặt hoặc chơi xỏ.

Đảng với Chính phủ

Trước khi tái lập Ban kinh tế trung ương, vai trò tham mưu kinh tế cho Trung ương Đảng và Bộ chính trị là Vụ kinh tế thuộc Văn phòng trung ương Đảng. Để ý một chút thì sẽ thấy được sự chênh lệch thua sút lớn về nhân sự gồm số lượng chuyên viên, chuyên gia kinh tế của Vụ kinh tế so với số chuyên viên chuyên gia kinh tế của 30 đơn vị thuộc Chính phủ gồm bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Từ đó thấy được mức độ ảnh hưởng về số lượng đề án chính sách do chính phủ đề xuất so với số lượng chính sách do Vụ kinh tế đề xuất, hoặc thấy được mức độ khuynh loát về số lượng, chất lượng ý kiến tham mưu giải trình về ưu khuyết điểm của chủ trương chính sách, từ đó xác định quan điểm chủ đạo có thông qua hay không các đề án của Chính phủ.

Một sự việc dẫn chứng: Đến khi thấy các tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ do nguyên nhân chính là đầu tư dàn trải đa ngành. Khi làm rõ trách nhiệm thì thấy rằng chủ trương này đã được thông qua tại Nghị quyết Trung ương 3 và Đại hội X về thực hiện thí điểm tập đoàn kinh tế, có kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực.

Bình tĩnh đánh giá thì chủ trương cho phép tập đoàn đầu tư đa ngành không có gì cho thấy đây là một giải pháp cao kiến, không có gì cho thấy đây là giải pháp mang hàm lượng trí tuệ uyên thâm sâu sắc. Tập đoàn kinh tế luôn ở giữa hai nhiệm vụ hoạt động kinh doanh hiệu quả và chạy theo lợi nhuận hay hoạt động như là một công cụ điều tiết nền kinh tế.

Vậy các chuyên gia kinh tế bên Đảng đã tham mưu như thế nào để cuối cùng thông qua chủ trương cho đầu tư đa ngành? Các cơ quan này đã làm việc thế nào, chất lượng làm việc đến đâu, khả năng dự liệu ra sao để dẫn đến kết quả thực tế như tập đoàn Vinashin đầu tư hàng trăm tỉ vào nhà máy sản xuất bia rượu hoặc nhà máy sản xuất phụ tùng xe máy để đến cuối cùng là nợ xấu và suy sụp kinh tế, doanh nghiệp phá sản và công nhân thất nghiệp?

Việc tái lập Ban kinh tế trung ương chưa chắc đã đạt hiệu quả trong điều hành kinh tế, do vậy cần có biện pháp hiệp đồng bổ sung.

Nay cùng thời điểm Hiến pháp sửa đổi, cần minh định lại vai trò thẩm quyền của Chính phủ trong lĩnh vực kinh tế, xem xét lại quan hệ giữa Chính phủ và Quốc hội. Làm được việc này cùng với việc tái lập Ban kinh tế trung ương sẽ nâng cao thực chất hiệu quả điều hành nền kinh tế.

Quốc hội với Chính phủ

Hiện tại Hiến pháp quy định nội dung quá dài và thừa cho Chính phủ, trong đó nổi bật lên Chính phủ đóng vai trò quản lý điều hành nền kinh tế. Vai trò Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội trong lĩnh vực kinh tế rất mờ nhạt.

Hiến pháp quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách nhà nước, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế. Hiến pháp cũng quy định Chính phủ có nhiệm vụ thực hiện chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

Tập đoàn kinh tế nhà nước sử dụng vốn chung quốc gia nên các chủ trương chính sách lớn của tập đoàn ảnh hưởng liên quan trực tiếp tới ngân sách nhà nước và chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, do vậy Quốc hội phải là nơi có thẩm quyền quyết định các chính sách lớn của tập đoàn. Lâu nay việc này vẫn do tự các tập đoàn hoặc Chính phủ quyết định.

Ví dụ việc tăng giảm giá xăng dầu, giá điện ảnh hưởng trực tiếp tới ngân sách nhà nước, chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhưng Quốc hội không hề có thẩm quyền. Việc giãn giảm thuế đối với doanh nghiệp lâu nay cũng do Chính phủ và các bộ quyết định mà không thông qua quốc hội.

Sửa đổi Hiến pháp cần xác định rạch ròi vai trò của Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Các chính sách kinh tế sẽ do Quốc hội quyết định, Chính phủ lập đề án trình Quốc hội quyết định thông qua, sau đó Chính phủ sẽ thực thi.

Quốc hội là cơ quan đại diện cho mọi tầng lớn nhân dân nên các quyết sách về kinh tế khi được thông qua là đã bàn thảo tính lường đến mọi góc độ lợi ích, nhờ vậy hạn chế được những quan liêu bất công trong chính sách. Nếu để Chính phủ nhiều quyền quản lý điều hành kinh tế thực chất là quyết định chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, như thế vừa trái với Hiến pháp vừa dễ bị các nhóm lợi ích chi phối lũng đoạn mua chuộc.

Một điều thấy rõ là chính sách phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam đi sau thế giới, các cấp lãnh đạo học được nhiều bài học từ các nước về chính sách phát triển, chính sách điều hành kinh tế, về chính sách tài chính tiền tệ quốc gia. Thực tiễn bi đát hiện nay đặt ra câu hỏi: Có hay không việc cố tình đi vào vết xe đổ của người đi trước, thực hành theo các chính sách bất hợp lý lỗi thời dẫn đến kết quả nền kinh tế chung suy sụp còn nhóm lợi ích thì hưởng lợi?

Cần củng cố thực quyền cho Quốc hội bằng việc hoàn thiện xây dựng đề án mỗi đại biểu Quốc hội sẽ có đội ngũ chuyên gia cố vấn riêng về kinh tế, như thế sẽ đối trọng được với lực lượng chuyên viên chuyên gia thuộc Chính phủ.

Trong thời gian Quốc hội không họp Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ đảm trách việc quyết định các chính sách kinh tế. Quyết định này đúng sai hợp lý đến đâu Quốc hội sẽ họp và cho ý kiến ở kỳ họp gần nhất.

Cần thay đổi cách điều hành kinh tế, nếu không sẽ vẫn còn những chính sách như chính sách độc quyền vàng miếng của Ngân hàng nhà nước, một chính sách rất khó phân biệt mục đích là giữ ổn định hay làm náo loạn thị trường vàng.

Bằng cách nào?

Do muốn tránh những quyết sách sai lầm của Chính phủ nên lấy bớt quyền hạn của Chính phủ thì những quyền lấy bớt đó được chuyển về đâu? Dường như việc tăng quyền hạn để các cơ quan Đảng can dự sâu vào quản lý điều hành kinh tế thị trường đi ngược lại chủ trương xây dựng quốc gia pháp quyền.

Những quyền định đoạt của Chính phủ bị lấy bớt cần chuyển về cho Quốc hội. Trong định hướng xây dựng quốc gia pháp quyền, giảm bớt quyền hạn của Chính phủ cần được thực hiện bằng phương pháp thực chất đúng đắn là giảm bớt quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ.

Hai đời tổng bí thư gần nhất của Đảng Cộng sản trước đó đều giữ cương vị chủ tịch Quốc hội, hẳn thấy được hạn chế của Quốc hội so với Chính phủ trong hoạt động làm luật.

Vì Quốc hội yếu nên đã tự mâu thuẫn và chia quyền làm luật với Chính phủ, biểu hiện ở chỗ Hiến pháp quy định Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, trong khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng do Quốc hội ban hành lại quy định hàng loạt văn bản của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ cũng là văn bản quy phạm pháp luật.

Tính từ năm 1990 đến năm 2013 trong khi Quốc hội ban hành được 271 văn bản luật thì chính phủ ban hành 2.536 nghị định, các bộ ban hành 6.333 thông tư. Số văn bản bên Chính phủ nhiều gấp 33 lần số văn bản luật bên Quốc hội. Khi đã hơn chữ thì hơn nghĩa, như vậy các quan điểm của Chính phủ mới là cái thực chất được thi hành trong đời sống. Từ đó cho thấy Chính phủ hơn hẳn Quốc hội trong hoạt động ban hành ra các quy định ảnh hưởng trực tiếp vào mọi mặt đời sống người dân.

Sửa đổi Hiến pháp cần đặt chính phủ vào đúng chỗ là cơ quan hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan thực thi các quyết sách của Quốc hội. Các văn bản như nghị định, thông tư nếu cần thiết cho điều hành kinh tế đất nước thì Chính phủ dự thảo trình Quốc hội quyết định. Như thế sẽ tích hợp được nhu cầu điều hành thực tiễn của bên Chính phủ cũ với tư duy tri thức mới bên quốc hội. Từ đó sẽ giảm tránh được các tệ trạng như lợi ích nhóm chi phối lũng đoạn chính sách, hoặc việc ban hành ra những quy định bất công vô lý không thực tế.

Bài đã đăng trên BBCVietnamese tại đây: Google search: ‘ Hiến pháp nên bớt quyền Chính phủ’