Hệ lụy xấu từ những hành xử bạo lực

Ngày 7/4, Uỷ ban tư pháp của Quốc hội họp bàn cho ý kiến về dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi.

Có ý kiến cho rằng cần bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung để tránh bức cung nhục hình.

Nhưng cũng có ý kiến nói việc đó sẽ gây tốn kém kinh tế không làm được. Đại diện cho quan điểm này là Thứ trưởng Bộ công an Lê Quý Vương.

Tốn bao nhiêu?

Rất lạ là mặc dù có ý kiến khác nhau nhưng chưa hề thấy các cơ quan tính toán đưa ra con số chi tiết cho biết nếu lắp camera cho tất cả các phòng hỏi cung trên cả nước thì hết bao nhiêu tiền?

Khi chưa có phép tính thống kê thì ý kiến nói tốn kém hay không tốn kém là dựa vào đâu hay nói quàng xiên vô căn cứ.

Năm 2013 ở quận Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh xảy ra vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh được báo chí đưa tin rộng khắp gây bức xúc dư luận.

Sau sự việc này Công ty cổ phần Nguyễn Kim đã tài trợ lắp đặt 20.000 camera cho các nhà trẻ mẫu giáo trên cả nước.

Bài báo ‘Nguyễn Kim tài trợ 20.000 camera cho nhà trẻ’ trên báo điện tử Vietnamnet cho biết gói tài trợ hơn 30 tỷ đồng với 20.000 camera, 5.000 đường truyền dẫn, miễn phí hòa mạng, cước internet sẽ được dành tặng các nhà trẻ và mẫu giáo trên cả nước.

Theo những người thực hiện dự án này thì họ đã đi khảo sát tại nhiều nhà trẻ trường mẫu giáo và thấy rằng các bậc phụ huynh rất mong muốn lắp đặt camera để họ đảm bảo con mình được chăm sóc chu đáo.

Sự việc này cung cấp con số tham chiếu rất đáng quan tâm, không biết số phòng hỏi cung của các trại giam trên cả nước có lớn đến 20.000 không, nhưng xem ra con số 30 tỷ đồng không phải là không chi nổi đối với ngân sách.

Các cơ quan bàn luận mà không có số liệu thống kê phân tích gì cả. Nay nên tìm hiểu xem dự án của tập đoàn Nguyễn Kim đã triển khai đến đâu, có gặp khó khăn vướng mắc gì không để từ đó có cơ sở mà cân nhắc.

Vì mục đích lắp camera cho nhà trẻ cũng nhằm quan sát các hoạt động tại nhà trẻ mẫu giáo nhằm tránh sự ngược đãi bạo hành cùng giống như mục đích lắp camera trong phòng hỏi cung.

Hành xử bạo lực

Cũng theo ý kiến của người đại diện cho ngành điều tra, hôm 30/3 Ủy ban tư pháp họp cho ý kiến về đề xuất quy định vào luật quyền im lặng Thượng tướng Lê Quý Vương phát biểu.

‘Tôi vào ngành đã 30 năm và thấy băn khoăn nếu đưa vào luật quyền im lặng. Nghi can được xác định chém chết 3 người mà đưa vào công an cứ ngồi im chờ vài ngày để luật sư đến thì chả ai làm được gì’.

Băn khoăn của ông Thứ trưởng nên giải đáp thế nào? Không rõ cái cụm từ ‘chả ai làm được gì’ trong câu nói của ông có phải là cho ăn đòn và buộc khai báo không?

Ông ấy đã công tác 30 năm và với cái thực tế mà ông ấy biết về hoạt động điều tra thì chắc hẳn nó trái ngược phũ phàng với viễn cảnh của tình huống trạng thái mới.

Đó là khi nghi can được quyền im lặng nên cứ ngồi ì ra mà không ai làm được gì.

Điều này khiến ông thấy khó hiểu nhưng xem ra đó chẳng phải là thắc mắc của riêng ông mà hẳn nhiều người cũng đặt câu hỏi Công lý ở chỗ quái nào khi cứ phải bó tay đứng nhìn một thằng vừa giết người?

Vậy chứ trong trường hợp đó lâu nay mọi người làm gì, thực thi công lý ngay và luôn à?

Đừng nói đến đánh đập nhục hình, bức cung cũng đã vi phạm pháp luật hình sự rồi. Bộ luật hình sự quy định tại Điều 299 Tội bức cung đó. Tội nhục hình ở Điều 298.

Thay vì đánh đập buộc khai báo cơ quan điều tra cần tập trung xem xét tình trạng nạn nhân và hiện trường, thu thập công cụ phương tiện phạm tội hoặc xác định nhân chứng.

Những việc đó sẽ giúp chứng minh tội phạm và như thế đâu phải là không làm được gì hay không có gì để làm.

Vấn đề giản dị thực ra rất rõ ràng nhưng lâu nay mọi người cứ làm quá đi những điều được phép.

Nên nhớ là dù cho chúng ta mong muốn tìm đến công lý nhưng tiến trình đi đến đó bị ràng buộc bởi những tiêu chí giá trị, mà nếu không tôn trọng thì toàn bộ các hoạt động sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Cứ phải lấy lời khai?

Lâu nay hoạt động điều tra thường làm một việc hao phí thời gian công sức không cần thiết đó là hoạt động lấy lời khai.

Có những vụ án phạm tội quả tang nhân chứng vật chứng rõ ràng nhưng vẫn lấy rất nhiều lời khai mà lần nào nội dung cũng giống nhau.

Năm 2014 tôi bào chữa cho một bị cáo trong vụ án ma túy bị bắt quả tang. Mặc dù 2 người bị bắt quả tang khi đang đi xe máy vận chuyển túi ba lô có nhiều bánh heroin với tang chứng vật chứng rõ ràng, nhân chứng đủ cả.

Thế mà mất tới cả năm mới đưa ra xét xử và trong thời gian đó người ta lấy hàng mấy chục lời khai.

Việc lấy lời khai như vậy là thừa thãi không cần thiết vì đã có đủ cơ sở để kết tội rồi.

Ngay như trong ý kiến băn khoăn của ông Lê Quý Vương, nếu đã xác định được hung thủ giết 3 người thì hẳn là có nhân chứng vật chứng giúp xác định việc đó, thế thì cứ dựa vào đó mà kết tội chứ còn cần gì lời khai của nó.

Việc lấy lời khai quá nhiều tưởng chừng như mẫn cán nhưng hóa ra lại đem đến hệ lụy xấu đó là lối hành xử bạo lực được di dưỡng vào đời sống dân chúng.

Điều này lâu nay không được đánh giá đúng mức tính nghiêm trọng và hậu họa lâu dài mà nó gây ra. Trong khi lâu nay mọi người chỉ coi trọng làm sao xử lý được đúng người đúng tội phạm.

Mới đây tôi tham gia bào chữa một vụ án, mấy cậu thanh niên cùng ở xóm trọ có một người mất xe máy và nghi cho một người khác lấy. Người bị mất nhờ mấy người đến tra khảo thằng kia xem có lấy chiếc xe không.

Điều tôi nhận ra là cái cách mà nhóm này muốn tìm ra sự thật từ việc tra khảo người kia nó giống hệt với cung cách làm việc của cơ quan điều tra trong các vụ án có bức cung nhục hình.

Đó cùng là quy trình bắt giữ, đánh đập, buộc khai báo.

Điều tôi cũng nhận ra là lối cư xử bạo lực đâu đó trong cơ quan điều tra đã lan ra ngoài xã hội.

Phải chăng có sự bắt chước học hỏi nhau trong những hành vi bạo lực thế này?

Từ cách giáo dục trẻ em

Trong hoạt động nuôi dạy trẻ em chúng ta đã biết rằng nếu chúng ta cư xử với tình cảm bao dung và trân trọng thì nhân cách đứa trẻ sẽ phát triển tốt.

Ngược lại nếu chúng ta cư xử bạo lực với trẻ nhỏ thì lớn lên chúng cũng có thói quen hành xử bạo lực.

Trẻ nhỏ là thế và chính xác thì đối với người trưởng thành cũng thế.

Nếu một người đã trải qua thời gian bị bắt giữ điều tra và bị đánh đập thì họ đã mất đi niềm tin vào tính công chính của hoạt động điều tra xét xử.

Với thời gian giam giữ kéo dài và nỗi phẫn uất do bị bức ép đánh đập, từ đó người ta đã mắc nhiễm thói quen hành xử bạo lực.

Việc điều tra xét xử khi đó tuy rằng đúng người đúng tội đấy, nhưng cũng đã mất đi tính giáo dục phòng ngừa.

Công lý có vẻ cũng được đạt đến đấy nhưng cái giá phải trả di hại lớn về sau.

Điều đó giống như những phụ phẩm không đáng có của một cỗ máy.

Tức là khi cỗ máy tư pháp vận hành trên con đường tìm kiếm công lý thì nó đã kịp rải rắc ra những phế phẩm độc hại làm suy đồi nhân cách con người và gia tăng tính ưa bạo lực trong cộng đồng.

Phải chăng đó là nguyên nhân dẫn tới thói quen hành xử bạo lực tràn lan trong xã hội hiện nay?

Tương lai sẽ ra sao?

Triết gia người Anh là ông John Stuart Mill trong cuốn sách Chính thể đại diện khi đánh giá về các mô hình chính thể độc tài và dân chủ đã nhận định:

‘Mức độ hướng tới gia tăng các phẩm chất tốt mang tính tập thể cũng như cá nhân trong cộng đồng bị cai trị là tiêu chí đánh giá cho tính ưu tú của chính thể’.

‘Người ta phán xét chính thể thông qua tác động của nó lên con người, tác động của nó lên những sự việc, thông qua việc nó tạo lên các công dân như thế nào và nó làm gì với họ;

Xu thế của nó là cải tiến hay làm hư hỏng bản thân dân chúng, tính tốt xấu của việc làm mà nó thực hiện cho họ và thông qua họ’.

Lâu nay nhiều ý kiến cho rằng chế độ hiện thời là độc tài và điều này biểu hiện ở chỗ ít lắng nghe và hay hành xử trấn áp bạo lực.

Nếu điều này là đúng thì điều đúng đắn nên làm là cần tiết giảm tính bạo quyền trong công vụ và rõ ràng nhất sâu rộng nhất là trong hoạt động tố tụng hình sự.

Các quy định về quyền im lặng, ghi âm hay ghi hình khi hỏi cung bị can, hoặc quy định việc bắt giam giữ phải do tòa án quyết định thay vì cơ quan điều tra … đều là những chế định giúp tiết giảm đi bạo quyền.

Đây là những bước đi vững chắc đem lại an ninh cá nhân và an toàn cho dân chúng, bước đi vững chắc và sâu rộng của việc dân chủ hóa đời sống xã hội.

Bằng những cư xử ôn hòa và khoan dung, chúng ta mới hy vọng trong tương lai giảm tránh đi những tầng lớp người ưa bạo lực.

Bởi lẽ trẻ em cũng như người lớn, nếu nuôi dưỡng bằng bạo lực ắt sẽ nhận lại bạo lực.

Cho nên để để đảm bảo cho một tương lai an lành, nếu việc lắp camera trong các nhà trẻ mẫu giáo được cho là cần thiết thì đó cũng chính là lý do cho sự cần thiết phải lắp camera trong các phòng hỏi cung.

Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google search: ‘Hệ lụy xấu từ những hành xử bạo lực’