Công văn gửi Ban nội chính Trung ương

ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH NAM ĐỊNH

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ

NGÔ NGỌC TRAI VÀ CỘNG SỰ

Số: 1.3/2014/CV-VPLS

V/v Bổ sung giải trình một vài nội dung về vụ án Hàn Đức Long

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——–o0o———

 

Nam Định, ngày 1 tháng 3 năm 2014

KIẾN NGHỊ

(Bổ sung một vài nội dung liên quan đến vụ án kêu oan cho tử tù

Hàn Đức Long ở Bắc Giang)

Kính gửi:

– BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG

 

Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự kính gửi tới Quý cơ quan lời chào trân trọng.

Vụ án Hàn Đức Long, văn phòng chúng tôi đã gửi tới Ban nội chính trung ương các công văn kêu cứu số 1,2,3,4 và 5 trong đó đã trình bày các cơ sở pháp lý chứng minh cho việc kêu oan. Nay chúng tôi bổ sung thêm một số nội dung trình bày về quá trình tham gia vào vụ án, quá trình kêu oan như thế nào, để từ đó Ban nội chính có được cái nhìn khách quan toàn diện về vụ việc, giúp củng cố nhận định xem liệu vụ việc kêu oan có cơ sở tin cậy hay không.

1.Về Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự

Văn phòng luật sư (VPLS) được thành lập ngày 20/12/2012 bởi Sở tư pháp tỉnh Nam Định, đến nay là được hơn 1 năm hoạt động, trụ sở đặt tại Nam Định.

Trưởng văn phòng là Luật sư Ngô Ngọc Trai, tốt nghiệp Đại học luật Hà Nội năm 2005, tham gia Đoàn luật sư Nam Định từ tháng 4/2006 đến nay đã được gần đủ 8 năm hành nghề. Trong 8 năm đó luật sư Trai hành nghề ở Hà Nội, cộng tác với nhiều tổ chức hành nghề luật sư khác nhau, chuyên môn của luật sư là luật sư tranh tụng tham gia giải quyết các vụ án dân sự, hình sự.

2.Về lý do tham gia bào chữa cho Hàn Đức Long

Năm 2011 luật sư Trai cộng tác làm việc tại Công ty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự, Đoàn luật sư Hà Nội, luật sư Trai được phân công cùng 2 luật sư khác bào chữa cho Hàn Đức Long tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 2 tại Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Vụ án giết người và hiếp dâm trẻ em xảy ra vào tháng 6/2005 tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. TAND tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm lần 1 vào tháng 1/2007 tuyên mức án tổng hợp hình phạt tử hình về tội giết người và hiếp dâm trẻ em, tòa phúc thẩm TAND tối cao xử phúc thẩm lần 1 vào tháng 6/2007 tuyên y án sơ thẩm.

Tháng 7/2009 Hội đồng thẩm phán TAND tối cao do Chánh án Trương Hòa Bình đã ra quyết định Giám đốc thẩm hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, yêu cầu điều tra xét xử lại. Việc điều tra lại thực hiện từ năm 2009 đến tháng 9/2011 mới xét xử sơ thẩm lại lần 2. Luật sư Trai tham gia phiên tòa lần này (các phiên tòa trước và sau đó luật sư Trai không tham gia).

3.Các hoạt động đã thực hiện liên quan đến việc bào chữa

Để phục vụ cho việc bào chữa tại phiên tòa, luật sư Trai đã hai lần vào trại giam trao đổi với Hàn Đức Long, bị cáo trình bày với luật sư kêu oan và khai bị đánh ép phải nhận phạm tội. Luật sư cũng về hiện trường cánh đồng nơi phát hiện xác cháu bé, xem xét khung cảnh từ chỗ máy xát nơi Long xát gạo tới chỗ gia đình cháu Yến là nạn nhân.

Luật sư đã tiếp cận nghiên cứu và sao chụp hồ sơ tài liệu từ TAND tỉnh Bắc Giang với hàng nghìn bút lục tài liệu. Luật sư Trai được phân công nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị luận cứ bào chữa để cùng 2 luật sư nữa tham gia phiên tòa. Trong đó rất buồn là anh luật sư giám đốc công ty mặc dù còn trẻ nhưng đã chết năm 2012.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 TAND tỉnh Bắc Giang vẫn tuyên Long có tội với mức án tổng hợp là tử hình giống như các phiên tòa năm 2007.

Sau phiên tòa sơ thẩm lần 2 công ty luật không tiếp tục nhận bào chữa cho bị cáo nữa nên luật sư Trai cũng không có lý do để tham gia phiên tòa phúc thẩm tiếp theo. Bào chữa cho Long tại phiên tòa phúc thẩm lần 2 do một luật sư nguyên là cán bộ viện kiểm sát về hưu. Bản án phúc thẩm lần 2 tuyên y án sơ thẩm.

4.Nhận định về việc kêu oan

Đứng trước một vụ án mà mọi tài liệu hồ sơ được cơ quan điều tra thu thập đều  nhằm chứng minh là bị cáo phạm tội, vậy tại sao luật sư nghiên cứu lại cho rằng bị cáo không phạm tội? Như thế có khác nào bức tranh người ta vẽ mùa hè mình xem lại nói đó là mùa đông, sao có thể trái ngược như vậy?

Luật sư thì không có thẩm quyền điều tra, cũng không đưa ra được tình tiết nào mới, quay đi quay lại vẫn chỉ có hồ sơ cũ, vậy căn cứ vào đâu để nói là oan?

Có một nguyên lý là nếu đúng bị cáo là thủ phạm thì mọi tình tiết hành vi phạm tội, mọi căn cứ bằng chứng của vụ án sẽ có tính LOGIC và phù hợp với nhau. Giống như những cạnh răng cưa ăn khớp vào với nhau.

Nếu bị cáo không phải là thủ phạm thì việc mô tả diễn biến hành vi phạm tội chắc chắn sẽ có những điểm vô lý, vênh nhau, khập khiễng, khiên cưỡng, gò ép giống như những mảnh răng cưa không khớp nhau. Cơ quan điều tra có thể đã cố gắng chứng minh cho sự logic phù hợp của các tình tiết, mài mòn đi những chỗ vênh, nhưng sự thật chỉ có một và không thể nào che dấu đi hết được dấu vết của sự khiên cưỡng.

Một luật sư có trình độ và trách nhiệm khi nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ sẽ chỉ ra được những chỗ vô lý trong hồ sơ vụ án mà những người xem qua loa sẽ không nhận ra. Giống như một người nhai kỹ miếng cơm sẽ phát hiện ra hạt sạn, trong khi người không nhai kỹ sẽ nuốt luôn không phát hiện ra hạt sạn.

Ví dụ trong vụ án này, việc cơ quan điều tra bỏ ra ngoài hồ sơ 49 bút lục tài liệu là nhằm che dấu đi sự vô lý trong luận điểm kết tội. 49 bút lục đó cho thấy có mâu thuẫn gia đình giữa Long và gia đình bà Khuyến, chị Năm (người vu cáo Long hiếp dâm từ đó Long bị bắt và lòi ra vụ giết hiếp cháu bé 5 tuổi).

Tình trạng cơ quan điều tra có sai sót làm không đúng chỗ này chỗ kia cũng thường thấy trong các vụ án, nhưng đó chỉ là sai về mặt thủ tục hoặc sai về mặt nội dung chỉ ảnh hưởng đến mức án tăng nặng hoặc giảm nhẹ.

Nhưng có những sai lệch trong hồ sơ ảnh hưởng đến bản chất cốt lõi là có tội hay không có tội. Đó là những tình tiết vô lý không thể chấp nhận, không đúng với sự thật khách quan. Những điểm rất vô lý như vậy cũng không phải là dễ được nhận ra vì nó ẩn dấu trong đống hồ sơ với hàng nghìn trang bút lục tài liệu. Đó là chưa tính đến việc cơ quan điều tra cũng có thể đã nhận ra điều đó và bằng đủ mọi thủ pháp nghề nghiệp che dấu đi.

Trong vụ án Hàn Đức Long có nhiều điểm vô lý như vậy chúng tôi đã chỉ ra tại các công văn trước, nay xin lược lại nội dung ngắn gọn:

Thứ nhất: Cơ quan giám định pháp y cho kết quả cháu bé chết sau bữa ăn cuối cùng từ 4 đến 6 giờ, cơ quan điều tra đã hỏi bố mẹ cháu và xác định cháu ăn bữa cuối lúc 12 giờ trưa ngày, vậy thời điểm cháu bé chết nằm trong khoảng từ 4 đến 6 giờ chiều.

Nhưng vấn đề là ngày xảy ra vụ án 26/6/2005 đó là ngày mùa hè, thời điểm đó ruộng vừa mới cấy không gian thông thoáng. Vậy lúc 4 đến 6 giờ chiều trời còn sáng liệu tội phạm có dám đưa cháu bé ra cánh đồng hiếp rồi giết không?

Nhiều khả năng là tội phạm đã xảy ra ở nơi khác hoặc theo một diễn biến cách thức khác không đúng với mô tả trong hồ sơ. Đây là điểm vô lý chứng tỏ cơ quan điều tra đã sai và không thể khắc phục được.

Thứ hai: Khi mổ tử thi cháu bé thấy trong phổi và khí phế quản cháu có nhiều dị vật lẫn bùn đất, chứng tỏ cháu phải bị dìm cho chết sặc. Nhưng cơ quan điều tra lại xác định Long ôm cháu bé ra chỗ bờ mương đất, đặt cháu bé ngồi trên bờ rồi đẩy cháu ngã xuống nước rồi bỏ chạy về. Không có hành vi dìm chết cháu bé.

Trong khi khám nghiệm hiện trường cho thấy mực nước mương là 35cm tức là chỉ hơn một gang tay, trong khi cháu bé cao 1,07m. Mực nước đó thì không thể làm chết cháu bé có chiều cao như vậy được, mực nước chỉ đến đầu gối cháu bé.

Điểm này chứng tỏ cơ quan điều tra mô tả diễn biến hành vi phạm tội sai, không đúng với thực tế khách quan. Đây cũng là điểm vô lý mà cơ quan điều tra không thể lý giải được.

Thứ ba: Một loạt sự bất hợp lý trong mô tả hành vi của bị cáo khi bế cháu bé ra cánh đồng đặt ngồi ở đoạn bờ mương bê tông và thực hiện các thao tác hành động. Một loạt sự bất hợp lý này cho thấy mô tả trong hồ sơ không phải như sự thật đã diễn ra, khả năng đó là kết quả của sự hình dung tưởng tượng của cán bộ điều tra buộc bị cáo khai nhận như thế, còn thực tế diễn biến theo kiểu khác.

Các vấn đề khác cũng rất bất hợp lý đã phân tích ở công văn trước như hai bằng chứng ngoại phạm của của Long.

5.Nhận định về việc vu oan giáng họa

Sau vài tháng không tìm ra manh mối hung thủ, cơ quan điều tra đã phát động nhân dân tố giác tội phạm, trình báo về việc lâu nay ở địa phương có đối tượng nào xàm sỡ hay hiếp dâm phụ nữ. Cơ quan điều tra phát cho mỗi gia đình trong thôn một phong bì thư có ghi rõ địa chỉ cơ quan điều tra để nhân dân tiện tố giác.

Trong bối cảnh đó thì ngày 31/8/2005 Hàn Đức Long có mâu thuẫn với gia đình bà Khuyến, chị Năm. Cụ thể Long có mâu thuẫn với gia đình hàng xóm là Trương Công Lành liên quan đến đất ngõ đi chung. Anh Lành là con bà Khuyến, tại hôm xảy ra mâu thuẫn Long đã dùng đá gây thương tích cho vợ chồng anh Sáu chị Chung là em trai và em dâu Lành, đều là con bà Khuyến.

Chị Chung bị Long ghè đá vào đầu phải đi viện, ngày 14/9/2005 chính quyền địa phương đã giải quyết buộc Long phải bồi thường cho Chung 1,5 triệu, Long đã bồi thường 1,2 triệu và chưa bồi thường hết. Chính Chung là người viết đơn cho mẹ chồng (cụ Khuyến) và chị chồng (chị Năm) tố cáo bị Long hiếp dâm.

Xem xét việc hiếp dâm bà Khuyến chị Năm thì thấy ngay sau vụ giết hiếp cháu bé, khi cơ quan công an đang ráo riết truy tìm thủ phạm thì Long lại hiếp dâm người khác, điều này là không hợp lý.

Theo tài liệu hồ sơ Long hiếp dâm bà Khuyến vào tháng 3/2005. Hiếp dâm chị Năm hai lần, lần 1 vào cuối tháng 6/2005, lần 2 vào đầu tháng 7/2005 chị Năm không nhớ ngày, trong khi vụ cháu Yến xảy ra ngày 26/6/2005.

Phát hiện ra điểm vô lý này, trong giai đoạn điều tra lại cơ quan điều tra xác định lại Long hiếp dâm chị Năm lần một vào tháng 6/2004 (chứ không phải năm 2005) và lần 2 vẫn là đầu tháng 7/2005.

TỨC LÀ NGAY TRƯỚC VÀ SAU VỤ GIẾT HIẾP CHÁU YẾN CHỈ VÀI NGÀY THÌ LONG LẠI HIẾP DÂM NGƯỜI KHÁC. Khó thể tin được điều đó là sự thật, hoặc là Long quá liều lĩnh bệnh hoạn, hoặc đó là sự vô lý khó chấp nhận.

Bản thân Long có gia đình vợ con bình thường, kết hợp với việc Long kêu oan và các tình tiết bất hợp lý khác trong hồ sơ thì có thể nhận định việc vu cáo Long hiếp dâm cụ Khuyến, chị Năm là không đúng.

Trong giai đoạn điều tra lại năm 2011 gia đình bà Khuyến đã rút đơn tố cáo gửi cho cơ quan điều tra. Nhưng sau đó cơ quan điều tra lấy lại lời khai của gia đình thì anh Sáu là con bà Khuyến chồng Chung lại xác nhận tiếp tục tố cáo Long.

Nguyễn Thị Chung sinh năm 1969, năm 2005 Chung 36 tuổi, sinh sống ở nông thôn, đời sống vất vả, học hành hạn chế, liệu trong thời điểm oán hận vì bản thân và người nhà bị đánh, Chung đã vu oan cho Long? Đây chỉ là giả thiết nhưng cũng nên nhớ bối cảnh lúc đó công an đang ráo riết truy tìm thủ phạm giết hiếp cháu bé, họ còn phát cho mỗi gia đình một bì thư ghi rõ địa chỉ để nhân dân tiện tố giác tội phạm. Vô hình chung việc trả thù lúc đó được tạo điều kiện dễ dàng. Nếu bây giờ buộc được Chung bà Khuyến hay chị Năm thú nhận việc vu oan cho Long là sai thì có cơ sở để minh oan cho Long.

6.Các căn cứ kết tội của tòa án

Trong cả hai vụ việc hiếp dâm đều không có nhân chứng, vật chứng, trong vụ hiếp dâm cụ Khuyến chị Năm còn được củng cố bằng lời khai của bị hại còn sống. Vụ cháu bé thu giữ được một số lông, tóc và tinh trùng nhưng giám định không cho ra kết quả. Cùng chỉ căn cứ vào lời khai nhận của Long, vậy tại sao các phiên tòa Hội đồng xét xử đều không kết tội được Long hiếp dâm bà Khuyến chị Năm nhưng lại có thể kết tội Long hiếp giết cháu bé?

Căn cứ kết tội của tòa án trong vụ giết hiếp cháu bé dựa vào các tài liệu:

– Long đã tự viết đơn xin đầu thú về hành vi hiếp giết cháu bé,

– Trong các lời khai Long do cán bộ điều tra ghi Long đều thú nhận và mô tả rõ hành vi phạm tội.

– Khi được cho viết thư về cho vợ và người nhà cháu bé thì Long cũng đều thừa nhận mình phạm tội.

– Một biên bản làm việc trao đổi giữa Long và anh Báu là bác ruột cháu bé diễn ra tại nơi giam giữ có sự có mặt của cán bộ điều tra, biên bản ghi lại rằng tại buổi làm việc Long thừa nhận với anh Báu là Long là hung thủ và xin được tha thứ.

– Tại tòa án anh Báu khai rằng khi gặp mình Long đã thừa nhận, xin lỗi và mong được tha thứ.

Tòa án cho rằng lời khai nhận của Long phù hợp với những dấu vết ở hiện trường như thế lời khai nhận của Long là có cơ sở, từ đó kết luận Long chính là hung thủ.

7.Cơ sở pháp lý cho việc kêu cứu

Những cơ sở pháp lý kêu oan cho bị cáo Long hoàn toàn là kết quả nghiên cứu và phân tích hồ sơ của luật sư Trai. Luật sư Trai nắm rõ và hiểu sâu sắc những nội dung mình đưa ra. Nay nhận định sự việc bị cáo bị oan, căn cứ vào các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự quy định về giám đốc thẩm và tái thẩm như sau:

Điều 274. Phát hiện bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm

Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân có quyền phát hiện những vi phạm pháp luật trong các bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 275 của Bộ luật này.

Trong trường hợp phát hiện thấy những vi phạm pháp luật trong bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, Viện kiểm sát, Tòa án phải thông báo cho người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 275 của Bộ luật này.

Điều 292. Thông báo và xác minh những tình tiết mới được phát hiện

1. Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân có quyền phát hiện những tình tiết mới của vụ án và báo cho Viện kiểm sát hoặc Tòa án. Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm ra quyết định xác minh những tình tiết đó.

2. Nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 291 của Bộ luật này thì Viện trưởng Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị tái thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền. Nếu không có căn cứ thì Viện trưởng Viện kiểm sát trả lời cho cơ quan, tổ chức hoặc người đã phát hiện biết rõ lý do của việc không kháng nghị.

Theo các quy định trên thì Văn phòng luật sư chúng tôi đã gửi thông tin sự việc kêu oan tới TAND tối cao và VKSND tối cao nhưng chưa được giải quyết trả lời.

8.Kính mong được cứu giúp

Chúng tôi được biết thẩm quyền của Ban nội chính trung ương là: Nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính (được xác định gồm viện kiểm sát, tòa án, tư pháp và các cơ quan có chức năng tư pháp trong công an, quân đội). Đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án.

Như thế Ban nội chính trung ương có thẩm quyền và trách nhiệm xem xét lại vụ án oan sai Hàn Đức Long vì vụ án này có liên quan đến hoạt động của các cơ quan thuộc khối nội chính (gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án), và liên quan đến sửa đổi một số quy định khiếm khuyết của bộ luật tố tụng hình sự thuộc công tác xây dựng pháp luật thuộc mảng vấn đề thẩm quyền của Ban nội chính trung ương. Do vậy kính mong Ban nội chính trung ương nhận lãnh trách nhiệm xem xét cứu vớt bị cáo trong vụ án oan sai này.

Văn phòng luật sư sẵn sàng hợp tác trong các hoạt động nhằm minh oan cho tử tù.

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin xin liên hệ: Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự, địa chỉ: 106/1 Lương Thế Vinh, phường Trần Đăng Ninh, TP Nam Định. Luật sư Ngô Ngọc Trai, điện thoại 0906117641. Email: <a href=”mailto:<script%20type=’text/javascript’>%0A%20<!–
var prefix = ‘ma’ + ‘il’ + ‘to’;
var path = ‘hr’ + ‘ef’ + ‘=’;
var addy31584 = ‘lsngoctrai’ + ‘@’;
addy31584 = addy31584 + ‘gmail’ + ‘.’ + ‘com’;
document.write(‘‘);
document.write(addy31584);
document.write(‘
‘);
//–>%5Cn%20</script><script%20type=’text/javascript’>%0A%20<!–
document.write(”);
//–>%0A%20</script>This%20email%20address%20is%20being%20protected%20from%20spambots.%20You%20need%20JavaScript%20enabled%20to%20view%20it.%0A%20<script%20type=’text/javascript’>%0A%20<!–
document.write(”);
//–>%0A%20</script>.”>This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
.

Tại Hà Nội: Liên hệ LS Ngô Ngọc Trai, Tầng 3 Số 62 Thái Thịnh II, Hà Nội

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ

NGÔ NGỌC TRAI VÀ CỘNG SỰ

TRƯỞNG VĂN PHÒNG