Cội nguồn của tội phạm

Thời gian gần đây báo chí thường xuyên có tin bài về các vụ phạm tội hình sự gây bức xúc dư luận, như các vụ: Tham nhũng, giết người, bạo lực học đường, bạo hành trẻ em… Là người công tác trong ngành luật, tôi có bài viết phân tích nguyên nhân bản chất hiện tượng tội phạm, mong muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn về vấn nạn xã hội này.

Tội phạm là thuật ngữ pháp lý chỉ những người vi phạm pháp luật hình sự, những người vi phạm pháp luật khác như: Pháp luật dân sự, hành chính, lao động, doanh nghiệp… không bị gọi là tội phạm. Vi phạm pháp luật hình sự là xâm phạm vào chuẩn mực giá trị quan trọng nhất do con người xây dựng lên, nó luôn luôn là điều xấu xa và bị lên án.

“Tại sao trong xã hội luôn có những người vi phạm vào các quy định đã được thống nhất ban hành áp dụng chung? Có khi nào và ở đâu con người không vi phạm pháp luật không?”

Tội phạm là một hiện tượng xã hội tất yếu

Ở mức độ khái quát nhất, pháp luật là sản phẩm của trí tuệ con người, đó là các quy định được con người sáng tạo ra nhằm mục đích tổ chức, xắp xếp, bảo vệ cuộc sống.

Con người khi từ bỏ cuộc sống tự nhiên nguyên thủy, đơn độc, hoang dại, tụ tập lại cùng sống với nhau hình thành lên xã hội loài người, khi đó đã làm xuất hiện nhu cầu tổ chức, xắp xếp, duy trì trật tự. Luật pháp chính là sản phẩm do con người sáng tạo ra giải quyết nhu cầu này.

Là thực thể có trí tuệ, phải tự dẫn dắt lấy mình, để chống chọi lại thú dữ, thiên tai, con người đã biết sống tụ tập với nhau và ban hành ra các quy định. Nhưng do là thực thể có trí tuệ hữu hạn nên con người thường hay lầm lẫn. Cũng là thực thể có cảm xúc, con người luôn bị lôi kéo bởi các dục vọng, nên thường dốt nát vi phạm vào các quy định do chính mình đặt ra. Con người vi phạm quy định chỉ bởi hai nguyên nhân: Do dốt nát (lỗi vô ý), do có động cơ thôi thúc (lỗi cố ý).

Hiện tượng vi phạm pháp luật có nguyên nhân nội tại từ chính bản chất khiếm khuyết của con người. Hiện tượng vi phạm pháp luật xuất hiện tất yếu gắn liền với việc hình thành luật pháp, giống như luật pháp xuất hiện gắn liền với việc hình thành xã hội loài người.

Trong mọi xã hội, ở vào mọi thời kỳ lịch sử, luôn tồn tại những người vi phạm vào các quy định được ban hành áp dụng chung, gọi là vi phạm pháp luật.

Cội nguồn của tội phạm cũng chính là cội nguồn của pháp luật và cũng là cội nguồn của xã hội loài người.

Nhưng một khi việc vi phạm pháp luật trở thành phổ biến, đặc biệt là vi phạm pháp luật hình sự, thì đó là chỉ dấu cho thấy sự tan rã của xã hội.

“Nguyên nhân nào làm cho hiện tượng tội phạm phát sinh trở nên phổ biến và hệ quả của nó đem lại là gì?”

Mối quan hệ nhân quả

Chúng ta cần chấp nhận hiện tượng tội phạm như một điều tất yếu khó tránh. Nhưng khi hiện tượng tội phạm phát sinh phổ biến thì đó là minh chứng rõ ràng hệ thống luật pháp không hoàn thành chức năng, vai trò bảo vệ công dân. Điều này nguyên nhân chính do những khiếm khuyết trong việc ban hành luật hoặc thực thi luật hoặc cả hai nguyên nhân này.

Việc ban hành luật và việc thực thi luật là những hoạt động hết sức quan trọng của các thành tố tạo lên nhà nước (Quốc hội và Chính phủ), nếu có khiếm khuyết sẽ là nguyên nhân dẫn đến hệ thống pháp luật không đảm bảo chuẩn mực nghiêm minh, kèm theo nó là hiện tượng tội phạm tràn lan.

 Ngược lại, một khi hiện tượng tội phạm phát sinh không thể kiểm soát (hệ thống pháp luật bị vô hiệu), nó là nguyên nhân làm xói mòn niềm tin của người dân vào vai trò của luật pháp. Cuối cùng, nó sẽ làm tiêu tan hệ thống pháp luật và hệ quả là sự suy tàn của xã hội.

Để làm rõ hơn mối quan hệ nhân quả, ta cần trở về với cội nguồn của nhà nước, pháp luật.

Tự do

Con người trong trạng thái tự nhiên nguyên thủy được tự do làm mọi điều mình muốn. Do nhu cầu bảo vệ mạng sống, chống chọi lại thú dữ, thiên tai, con người sống quần tụ lại với nhau hình thành lên xã hội loài người. Đánh đổi cho việc được an toàn hơn, tự do của con người bị thu hẹp, con người bị bó buộc vào, ban đầu là mệnh lệnh của người thủ lĩnh đứng đầu bộ tộc, bộ lạc. Khi xã hội phát triển lên, người thủ lĩnh được thay thế bằng thiết chế nhà nước, con người chịu quy định ràng buộc bởi pháp luật của nhà nước phong kiến do ông vua ban hành.

Theo tiến trình phát triển của lịch sử, con người ngày càng thông minh, khôn ngoan, họ hiểu ra rằng: Cái quý giá nhất đối với mỗi người là quyền tự do. Tự bản năng, con người muốn làm những điều mà mình muốn làm và không muốn bị ép buộc làm những điều mà mình không muốn. Mỗi con người khi tồn tại trên cõi đời đều theo đuổi mục đích ý nghĩa cuộc sống của riêng mình, đạt được điều đó là con người có hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ có được khi con người có tự do, không có tự do con người sẽ không thể có hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Không có gì quý hơn độc lập, tự do (và hạnh phúc).

Con người cũng nhận ra rằng không có vị thánh thần nào, không có sự an bài nào áp đặt lên con người sự thống khổ. Con người dần hiểu ra rằng sự thống khổ chính do kẻ khác vô lý đày đọa lên mình. Con người hiểu ra kẻ đày đọa mình không phải là gì ghê gớm, không phải là thiên tử con trời, chẳng phải là bất tử, kẻ đó cũng chỉ là người bình thường, do sự biến loạn xã hội mà nắm giữ quyền lực áp chế người khác. Con người nhận ra mình có quyền không chấp nhận sự áp chế đó. Suốt hàng ngàn năm con người phải chịu đựng đau khổ để rồi nhận ra sự thật này. Kể từ khi đó nhà nước phong kiến phải tiêu vong.

Khi thông minh, khôn ngoan hơn, con người có suy tư về tự do và hành động đòi hỏi tự do. Con người cũng ích kỷ cho rằng, chỉ quyền lợi của mình mới là quan trọng và cần bảo vệ. Con người đòi tự do cho mình và đòi hỏi một sự bảo vệ cho quyền tự do.

Luật pháp

Khi hai người có tự do, rồi hàng triệu người có tự do, khi đó sẽ dẫn đến xung đột, người này xâm phạm người kia. Vậy làm thế nào để đảm bảo tất cả mọi người đều có tự do mà không xâm phạm lẫn nhau?

Con người giống nhau ở các chuẩn mực giá trị theo đuổi, ví dụ buổi sơ khai con người nhận thấy những điều sau đây là đúng đắn: Ai cũng phải tìm kiếm thức ăn để sống; Ai lao động thì người đó được hưởng thành quả lao động; Giết người là xấu; Cướp của người khác là xấu; Đánh đập người khác là xấu… Tới nay các chuẩn mực giá trị của con người được thể hiện đầy đủ, rõ ràng trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 do Liên Hợp Quốc ban hành.

Dựa trên những chuẩn mực giá trị chung, con người đã tập trung lại, bàn thảo và thống nhất với nhau ban hành ra các quy tắc, luật lệ chung. Theo đó các luật lệ do tất cả các thành viên bàn bạc, biểu quyết ban hành và mọi thành viên phải tuân thủ, không phân biệt, mục đích để đảm bảo ai cũng có tự do. Luật pháp ban hành là để bảo vệ tự do cho mỗi thành viên. Các thành viên khi đó được xem là bình đẳng, cùng bàn bạc, cùng biểu quyết, cùng tuân thủ. Chính điều này là cội nguồn của nguyên tắc pháp lý “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.

Chính quyền

Khi đã xác định ai cũng bình đẳng như ai, thì ai sẽ là người điều phối buộc mọi người phải tuân thủ luật lệ đã ban hành? Mọi người nhận ra cần có một thực thể trung gian đứng ra điều phối hoạt động của các thành viên để mọi thứ diễn ra suôn sẻ, tránh tình trạng một ai đó không tuân thủ luật lệ. Các thành viên bàn bạc thống nhất với nhau xây dựng lên một thực thể được gọi là “chính quyền”, chính quyền là một hệ thống được vận hành bởi một số thành viên trong xã hội.

Chính quyền là sản phẩm được tạo ra bởi các thành viên, chính quyền là kết quả hình thành từ việc ban hành luật lệ của toàn thể thành viên, chính quyền được hình thành bởi nhu cầu của chính các thành viên. Chính quyền được trao cho một thứ quyền lực để hoạt động, và quyền lực đó có thể bị thu hồi bất cứ khi nào cũng bởi chính các thành viên. Chính quyền đó là một sản phẩm của các thành viên, do các thành viên lập lên và vì các thành viên mà tồn tại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý mọi người “nhà nước là của dân, do dân và vì dân”.

Đại biểu và đại diện

Khi xã hội đông đảo tới hàng triệu người và thực tiễn cuộc sống ngày càng phong phú đòi hỏi ban hành ra nhiều quy định để điều tiết. Hàng triệu người không thể tụ tập lại với nhau để bàn bạc ban hành ra luật. Mặt khác mỗi người khi tham gia bàn bạc ban hành luật đều vì quyền lợi của chính mình mà điều này thì có thể dàn xếp được. Từ đó nảy sinh ra ý tưởng một người đại diện cho một nhóm người giống nhau về quyền lợi, sự việc đó được gọi là đại diện, người đại diện cho nhiều người được gọi là Đại biểu. Tập hợp những người đại diện sẽ thay mặt cho toàn thể dân chúng bàn thảo ban hành ra luật.

Các Đại biểu thay mặt toàn thể dân chúng trong nước bàn bạc ban hành ra luật lệ, trong đó quan trọng nhất là bàn bạc quyết định việc thành lập lên thiết chế bộ máy chính quyền. Điều này được quy định trong một văn bản hết sức quan trọng được gọi là Hiến pháp.

Như vậy từ khi sơ khai dân chủ, chính toàn thể các thành viên trong xã hội là những người có nhu cầu và chính họ ban hành ra luật lệ, lập ra chính quyền. Con người làm việc đó do chính họ, bởi chính họ và vì chính họ. Sau này, khi có người đại biểu, đại biểu chỉ là người đại diện cho quyền lợi dân chúng và phải hoạt động vì quyền lợi của dân chúng. Các đại biểu được đại diện trong một thời gian nhất định theo nhiệm kỳ, ai không được tín nhiệm sẽ bị loại bỏ.

“Con người thường hay than phiền về sự không chuẩn mực của luật pháp mà thường quyên mất rằng chính họ là người tạo ra nó”

Hiện tượng tội phạm lan tràn có nguyên nhân từ những khiếm khuyết trong hệ thống pháp luật, có gốc rễ từ việc người dân không cảm nhận được rằng chính họ là người làm ra luật xuất phát từ nhu cầu của chính họ. Việc công dân (thông qua người đại diện của mình) làm ra luật để tự mình tuân thủ không phải là việc tự gây rắc rối cho mình mà mục đích nhằm bảo vệ tự do cho chính các công dân.

Xét mối quan hệ giữa người đại biểu và người được đại diện trong việc ban hành ra luật, Hiến pháp Việt Nam năm 1992 quy định:

Điều 87: Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật và dự án luật ra trước Quốc hội.

Điều 97: Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân…Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan Nhà nước hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội; trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri…

Việc ban hành luật phải xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của người dân. Chỉ khi đó luật ban hành ra mới nhận được sự tin tưởng và sự tự nguyện tuân thủ. Nếu người dân thấy văn bản luật xa lạ với ý chí của mình và không bảo vệ quyền lợi cho mình thì luật lúc đó chỉ là một mớ rắc rối do kẻ khác vô lý áp đặt. Khi đó cần xem xét lại mối quan hệ giữa đại biểu và những người được đại diện.

Thực tế hiện nay, dân chúng nhiều khi thấy xa lạ và mơ hồ đối với các quy định do các vị đại biểu của mình ban hành. Có khi dân chúng cảm thấy xa lạ với chính đại biểu của mình. Các đại biểu đã không tạo ra được niềm tin nơi dân chúng: Họ là những người đại diện cho quyền lợi của dân chúng. Hệ thống luật pháp không tạo được niềm tin nơi dân chúng: Đó là công cụ bảo vệ quyền lợi cho dân chúng. Không có sự gần gũi, tin tưởng, tất yếu dẫn đến sự vi phạm.

Ngược lại hiện tượng tội phạm phát sinh tràn lan, làm mất niềm tin của người dân vào việc làm luật và thực thì luật, từ đó làm tiêu tan hệ thống pháp luật. Tệ hại nhất là khi tình trạng mất niềm tin kéo dài, dân chúng không còn quan tâm tới đại biểu của mình, người dân không còn tin vào vai trò bảo vệ của pháp luật, họ bỏ mặc quyền và trách nhiệm công dân của mình, ai cũng quay về chỉ lo lót cho riêng mình, vi phạm pháp luật trở thành phổ biến, bạo lực lan tràn. Con người ở trở lại với trạng thái tự nhiên nguyên thủy, đơn độc, sợ hãi, xâm hại lẫn nhau. Xã hội suy tàn.

Luật sư Ngô Ngọc Trai

 

Bài viết đã đăng trên Diễn đàn dân luật tại Đây